Tổng Bí thư: Pháp luật không chỉ trừng trị mà còn để cảm hóa và hướng thiện
Ngày 21/7, Tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh vai trò thiết yếu và sứ mệnh đổi mới của ngành trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và liêm chính.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Viện Kiểm sát nhân dân luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bộ máy nhà nước, là một trong những trụ cột bảo vệ công lý, bảo đảm sự thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân – những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Dù trải qua nhiều giai đoạn phát triển với mô hình tổ chức và chức năng khác nhau, ngành Kiểm sát luôn giữ vững vai trò là thiết chế bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp.
Điểm nhấn quan trọng trong chỉ đạo của Tổng Bí thư là tư tưởng “thực thi công lý với tinh thần nhân văn”. Ông nhấn mạnh, hoạt động kiểm sát không chỉ dừng lại ở việc thực hiện đúng pháp luật, mà phải thể hiện rõ bản chất công lý – công bằng, khách quan và giàu tính nhân đạo.
“Mỗi quyết định truy tố, không truy tố, kháng nghị hay kiến nghị… đều liên quan đến số phận của một con người, vì vậy phải cân nhắc kỹ cả lý và tình”, Tổng Bí thư nói. Tư tưởng này thể hiện bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy tư pháp: pháp luật không chỉ để trừng trị, mà còn để cảm hóa, bảo vệ, khơi dậy cái thiện và mở lối cho người sai sửa mình.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện, Tổng Bí thư yêu cầu ngành Kiểm sát tiếp tục hoàn thiện tổ chức theo mô hình ba cấp, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ “có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn sâu, đạo đức công vụ trong sáng, kỷ luật nghiêm minh”.
Mỗi cán bộ kiểm sát cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, chủ động học tập, đổi mới tư duy, nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức.
Ngành kiểm sát cũng cần đổi mới phương pháp công tác, chú trọng áp dụng các biện pháp tố tụng hiện đại, linh hoạt như thủ tục rút gọn, hòa giải, đối thoại, thỏa thuận nhận tội… nhằm giảm lãng phí xã hội, hạn chế xung đột không cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng công lý và tiết kiệm nguồn lực quốc gia.
Một trong những nội dung then chốt được Tổng Bí thư lưu ý là công tác kiểm soát quyền lực tư pháp trong chính nội bộ ngành kiểm sát, đồng thời tăng cường phối hợp hiệu quả với các cơ quan trong khối nội chính: tòa án, công an, cơ quan điều tra, thi hành án…
Việc phân công chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan tư pháp phải rõ ràng, minh bạch, nhưng cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ trên cơ sở thượng tôn pháp luật và tôn trọng quyền hạn độc lập của từng đơn vị, nhằm bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử lý nghiêm minh, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: thành công của ngành kiểm sát không chỉ đo bằng số vụ án được xử lý, mà còn bằng niềm tin mà người dân gửi gắm vào công lý.
Với định hướng phát triển ngành kiểm sát “trong sạch, vững mạnh, hiện đại”, luôn lấy con người làm trung tâm, lấy nhân dân làm mục tiêu phục vụ, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ nền tư pháp liêm chính, nhân văn và hiệu quả, góp phần xây dựng một xã hội kỷ cương, dân chủ, công bằng và văn minh.
Thảo Nguyên