Tổng bí thư, Chủ tịch nước: ‘Không nhân nhượng bất cứ thứ gì vô nguyên tắc’
Chia sẻ tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 8 của Quốc hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng đồng thời phải giữ ổn định.
Sáng 15.10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 1 đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước thềm kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
“Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe”
Phát biểu tại hội nghị sau khi lắng nghe ý kiến của các cử tri, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn những ý kiến xác đáng của các cử tri, đồng thời cảm ơn tình cảm thân thiết mà cử tri dành cho cá nhân ông. “Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, năm nay 75 rồi, cũng đang là bệnh nhân”, ông nói.
Chia sẻ những vấn đề mà cử tri quan tâm và kiến nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước hội nghị T.Ư lần thứ 11 vừa bế mạc ngày 12.10 vừa qua nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân, cử tri.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, hội nghị bàn những vấn đề đại sự, nhìn lại 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, tầm nhìn tới năm 2030 và 2045 là 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, chứ không chỉ kiểm điểm 1 nhiệm kỳ vừa qua. Tuy nhiên, hội nghị dự kiến kéo dài trong 7 ngày nhưng 6 ngày đã thành công, thống nhất cao.
“Ngay trong T.Ư cũng phân tích lâu nay vẫn nói nguyên nhân thắng lợi đầu tiên là sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhưng lần này nhấn mạnh ý đầu tiên là sự đoàn kết thống nhất. Vừa qua đúng là như thế”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ.
Cuộc đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người một
Về vấn đề phòng chống tham nhũng được nhiều cử tri nhắc tới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết, trong bối cảnh tiến tới Đại hội XIII, vấn đề nhân sự đang được Đảng, nhân dân quan tâm.
“Tôi cũng cảm thấy nhiều bà con lo lắm. Vừa rồi, Bộ Chính trị cũng vừa ban hành một loạt quy định cũng là để hạn chế tiêu cực trong công tác nhân sự, cố gắng chọn người thật xứng đáng, chuẩn bị không chỉ cho T.Ư mà tất cả các ngành, các cấp”, ông nói.
Riêng về đấu tranh tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết, như nhiều ý kiến cử tri tại hội nghị, thời gian qua Đảng, Nhà nước có nhiều cố gắng, là điểm nhấn trong nhiệm kỳ này, kết quả không chỉ được dư luận trong nước mà quốc tế cũng quan tâm.
Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước thừa nhận “còn nhiều việc phải làm” vì đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp và vì đây là cuộc đấu tranh không phải với người khác, với bên ngoài, mà đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người một.
Đồng ý với đề nghị chống tham nhũng không phải là việc của Đảng mà cần được luật pháp hóa, Tổng bí thư, Chủ tịch nước thông tin, hơn 70 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý bị kỷ luật, trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị, 4 ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, 14 nguyên ủy viên T.Ư Đảng, 1 đồng chí nguyên phó thủ tướng Chính phủ, 5 đồng chí bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 2 đồng chí bí thư Tỉnh ủy, 5 đồng chí nguyên bí thư Tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
“Tại hội nghị T.Ư vừa rồi tiếp tục thi hành kỷ luật 2 nguyên ủy viên T.Ư, nguyên bộ trưởng Thông tin – Truyền thông. Lúc đầu cãi ghê lắm chứ có nhận lỗi đâu, mà đây mới chỉ là kỷ luật về Đảng, còn về hành chính phải tương ứng, về hình sự phải tiếp tục làm”, ông nói và khẳng định chúng ta đã quyết liệt làm, còn phải tiếp tục.
Không phải cứ nói mạnh, làm liều mới là yêu nước
Vấn đề quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề Biển Đông, được Tổng bí thư, Chủ tịch nước dành khá nhiều thời gian đề cập tại hội nghị.
Ông thông tin, hội nghị T.Ư lần thứ 11 vừa qua đã dành một buổi trong chương trình làm việc để nghe báo cáo về tình hình đối ngoại để có thông tin và tạo sự đoàn kết, thống nhất cao.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, quan hệ đối ngoại của chúng ta vừa qua tốt rồi, nhưng mỗi khu vực, địa bàn cũng có những vấn đề phức tạp riêng, đặc biệt là vấn đề biên giới, biển đảo. Nước nào cũng có và nước nào cũng phải xử lý.
“Ta ký được biên giới với Trung Quốc bao nhiêu năm nay, phân định được vịnh Bắc Bộ, bây giờ đang đàm phán phân định cửa vịnh Bắc Bộ. Hay gì mà căng thẳng, cả đôi bên cùng thiệt”, ông nói.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, phải đặt vấn đề trong tổng thể, vừa kiên quyết kiên trì bảo vệ đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, nhưng đồng thời cũng phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định.
Ông nói thêm việc xử lý mối quan hệ này không đơn giản chút nào, song như thế không có nghĩa là nhân nhượng bất cứ thứ gì vô nguyên tắc. “Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó”, ông nói.
“Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn T.Ư Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu vấn đề, và lưu ý không phải cứ nói mạnh, làm liều mới là yêu nước.
“Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng”, ông nhấn mạnh.
Hà Nội phải chú ý các vấn đề chiến lược
Dành phần cuối phần phát biểu để “nêu ý kiến” với lãnh đạo TP.Hà Nội với tư cách là một công dân Thủ đô và từng có thời gian là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo TP cần phải quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề chiến lược hơn là giải quyết những vấn đề hàng ngày.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ đô chưa bao giờ phát triển với cơ ngơi như thế hiện nay, do đó phải chú ý phát triển toàn diện, kinh tế là trung tâm, nhưng văn hóa, đạo đức, văn minh, giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định.
“Cần chiến lược hơn, bài bản hơn, dân số sẽ còn đông, đất đai chỉ chừng ấy thôi. Nay dẹp cái này lại mọc lên thôi, dân đông thế này thì họ phải”, ông lưu ý.
(Theo Thanh Niên)