Tổng Bí thư chỉ đạo xử lý 10 vụ ‘đại án’ nghiêm trọng
Sáng nay (25/11), tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo.
Sáng 25.11, tại trụ sở T.Ư Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) chủ trù họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 17 đến nay.
Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thảo luận, cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác.
Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo diễn ra ngày 15.1.2020. Tại phiên họp này, phát biểu kết luận, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong năm 2020 tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ; rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thanh tra, kiểm toán đối với các dự án gây thất thoát lớn, thua lỗ kéo dài, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt. Trong năm 2020, tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc; truy tố 23 vụ án; xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
10 vụ án này bao gồm:
Vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Q.1, TP.HCM.
Vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM.
Vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai; lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân, liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM.
Vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Hội sở chính BIDV và Chi nhánh Hà Thành, Chi nhánh Hà Tĩnh và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch Trung Dũng.
Vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) trong Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ.
Vụ án “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan.
Vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.
Vụ án “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”.
Vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu phải tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu còn yếu, những việc làm dở; những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.