+
Aa
-
like
comment

Tôn trọng việc cạnh tranh công bằng

Bảo An - 10/12/2020 12:29

Những ngày vừa qua, hình ảnh nhiều tài xế Grab tụ tập, cầm băng rôn diễu hành khắp đường phố Hà Nội để phản đối việc Grab thông báo tăng tỷ lệ khấu trừ với đối tác đang thu hút được sự chú ý của dư luận. Ngay lập tức, vụ việc này đã trở thành một miếng bánh béo bở để các đối tượng xấu, cơ hội chính trị tiến hành xuyên tạc, bóp méo thông tin, chống phá chính quyền.

Tài xế GrabBike Huỳnh Tiến Hải cho biết sau mỗi khi có quy định mới anh thấy khá chán nản vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập.

Theo điều 7 Nghị định 126 có hiệu lực kể từ ngày 5/12, tất cả đối tác tài xế công nghệ được xem là cá nhân hợp tác với tổ chức kinh doanh và phải chịu mức thuế giá trị gia tăng 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe, thay vì mức 3% như hiện nay. Để đối phó với quy định mới, Grab đã lập tức điều chỉnh tăng khấu trừ với tài xế và tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc. Điều này kéo theo hệ quả là thu nhập của lái xe Grab sẽ bị giảm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều tài xế Grab tụ tập tại Hà Nội, cầm băng rôn diễu hành trên một số tuyến đường nhằm phản đối Grab.

Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đã ngay lập tức tiến hành xuyên tạc thông tin, bôi nhọ, nói xấu chế độ. Các đối tượng bất chấp bản chất vụ việc đúng – sai ra sao, bất chấp tình hình thực tiễn, bất chấp chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cố tình đổi trắng thay đen, vu khống chính quyền.

Lợi dụng mạng xã hội, các đối tượng tiến hành viết, lan truyền nhiều thông tin, bài viết, hình ảnh, nội dung sai trái, xuyên tạc. Thậm chí, những luận điệu hết sức phản động cũng đã được đưa ra. Các đối tượng cố tình rêu rao cho rằng Chính phủ tăng thuế với lái xe công nghệ là không công bằng, “chèn ép” người nghèo, tạo ra sự bất công trong xã hội; các đối tượng đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước và chế độ đang tiến hành “tận thu” với người lao động; các đối tượng kích động tư tưởng bất mãn, chống đối, kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình chống phá. Để gia tăng tư tưởng bất mãn, các đối tượng tiến hành so sánh một cách khập khiễng, hướng lái thông tin theo hướng cho rằng chính quyền đang “bóp nghẹt” hầu bao của người lao động để có tiền cho quan chức tham nhũng. Thậm chí, các đối tượng còn vu khống vì chính quyền xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực quá nhiều nên phải tăng thuế để bù đáp.

Luận điệu xuyên tạc được đưa ra

Những thông tin, luận điệu như trên là hoàn toàn sai trái, tiêu cực, độc hại, không đúng sự thật.

Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế. Đây là khoản thu chủ yếu, quan trọng trong Ngân sách nhà nước. Mục đích của việc thu thuế là nhằm điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và định hướng phát triển kinh tế và đảm bảo sự bình đẳng giữa những chủ thể kinh doanh và công bằng xã hội.

Quay lại với việc tăng thuế, đây là việc làm phù hợp để tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Hãy quay ngược thời gian, chúng ta chắc hẳn còn nhớ vụ kiện đình đám giữa Vinasun và Grab (hay còn gọi là vụ kiện giữa taxi truyền thống và xe công nghệ). Thời gian mới đưa vào thử nghiệm, với mức thuế ưu đãi, các hãng xe công nghệ đã lấn lướt các hãng xe truyền thống, khiến cho nhiều hãng taxi truyền thống điêu đứng vì khó có thể cạnh tranh về giá cả. Thực tế, việc không công bằng trong thu thuế giữa taxi truyền thống và xe công nghệ đã xảy ra. Trước đây, Grab, Uber chỉ bị tính 3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng trong khi đó xe taxi truyền thống chịu 10% thuế giá trị gia tăng, 20% thu nhập doanh nghiệp. Chính vì vậy nên đã xảy ra một làn sóng tranh cãi lớn giữa xe truyền thống và xe công nghệ.

Quy định mức thuế đối với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% là điều có thể đoán trước vì đây là điều kiện để tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn giữa xe truyền thống và xe công nghệ.

Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận việc thuế tăng khiến cho lái xe bị giảm thu nhập và người tiêu dùng phải bỏ thêm chi phí. Tuy nhiên, về bản chất, chúng ta cần hiểu trong vụ việc này, Grab đang đẩy phần khó, phần thiệt thòi về phía đối tác (lái xe) và người tiêu dùng, không phải là do Chính phủ “bóc lột” người dân như luận điệu được rêu rao. Do doanh nghiệp không chịu mất chi phí, không muốn giảm thu nhập của chính mình nên đã đẩy toàn bộ phần khó cho người khác.

Xe công nghệ hay bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào khác đều phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong kinh doanh, chúng ta cần phải đảm bảo việc cạnh tranh công bằng. Thời gian vừa qua, các hãng xe công nghệ rõ ràng đã nhận được những món lợi khổng lồ, có những ưu thế lớn so với các hãng xe truyền thống. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào thực tế. Nếu đã hoạt động trong nền kinh tế thị trường thì phải tuân thủ quy luật cạnh tranh của thị trường.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều