Tồn kho 20 triệu khẩu trang, muốn xuất không xuất được do vướng cơ chế
Theo Bộ Công thương, năng lực sản xuất khẩu trang vải của ngành dệt may lên tới 11 triệu chiếc/ngày và hiện đang tồn kho lên tới 20 triệu chiếc nhưng việc xuất khẩu và tiêu thụ gặp khó khăn.
Thông tin được ông Trương Thanh Hoài – cục trưởng Cục Công nghiệp – đưa ra khi báo cáo về tình hình sản xuất, xuất khẩu khẩu trang và hoạt động sản xuất ngành công nghiệp tại cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19 của Bộ Công thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì chiều 24-4.
Theo ông Hoài, hiện năng lực sản xuất khẩu trang vải lên tới 11 triệu chiếc/ngày, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch cũng như viện trợ nhiều nước.
Tuy nhiên, năng lực tiêu thụ khẩu trang vải thấp, nên việc tiêu thụ khó khăn khi tổng lượng tồn kho từ số liệu của 20 doanh nghiệp lên tới 20 triệu chiếc.
Đối với khẩu trang y tế, ông Hoài cho biết năng lực sản xuất cũng được tăng lên tới hàng chục triệu chiếc/ngày. Tuy nhiên, có vướng mắc do hoạt động mua dự trữ phục vụ phòng dịch trong nước vẫn còn thiếu 14 triệu chiếc (trong tổng số 60 triệu chiếc), gây ách tắc toàn bộ hoạt động xuất khẩu khẩu trang còn lại.
“Chính phủ đã ra kết luận về việc cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế. Hiện nay với năng lực sản xuất lớn, nhưng chỉ vì 14 triệu chiếc mà gây khó khăn chung, nên chúng tôi kiến nghị với khẩu trang thiếu thì cần triển khai mua theo cơ chế đấu thầu, sau đó cho phép doanh nghiệp xuất khẩu không giới hạn khẩu trang y tế” – ông Hoài đề nghị.
Về tình hình sản xuất, ông Hoài cho biết từ tháng 4 ngành dệt may và da giày, chủ yếu xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ, gặp khó khăn về thị trường. Đơn hàng sản phẩm điện tử cũng giảm nhiều; ngành ôtô các đại lý tạm thời đóng cửa còn sản xuất cầm chừng; ngành thép, bia rượu và thuốc lá đều có sụt giảm.
Đáng chú ý việc tiếp cận chính sách hỗ trợ như vốn, tín dụng đều rất khó khăn.
“Cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ vay ưu đãi, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực ưu tiên. Đưa một số ngành ôtô, dệt may, da giày là lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt khi sự chuyển dịch chuỗi cung ứng được dự báo, cần phải tăng năng lực công nghiệp hỗ trợ để tham gia” – ông Hoài đề nghị.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị ngành công nghiệp phải xác định các điều kiện về sản xuất an toàn. Đồng thời cần làm việc với hiệp hội ngành hàng, xem mức độ ảnh hưởng doanh nghiệp thế nào, tình trạng hiện nay nếu khôi phục sản xuất, trở lại trạng thái bình thường thì doanh nghiệp cần cái gì, ở mức độ như thế nào.
Đồng thời cần đánh giá lại vị thế, vai trò của từng thị trường, ngành hàng để có giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn chứ không thể “nói chung chung”, bởi như với lĩnh vực dệt may, da giày thì trong đầu tháng 4 đã có tới 80% giảm quy mô sản xuất.
“Doanh nghiệp có thể cầm cự vượt qua nhưng không có sức tham gia tái cơ cấu, phát triển thị trường được nữa không?” – ông Tuấn Anh đặt câu hỏi.
Đối với lĩnh vực khẩu trang, ông Tuấn Anh đồng ý sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang y tế cùng với khẩu trang vải trên cơ sở đề nghị dự trữ quốc gia mua vào và tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông lưu ý ngành công nghiệp cần chú trọng các sản phẩm mới về vật phẩm, bảo hộ y tế là rất lớn nên giờ phải tổ chức lại, khảo sát năng lực và xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, mở rộng năng lực sản xuất và đa dạng sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
NGỌC AN/TTO