+
Aa
-
like
comment

Tốn hàng tỷ USD nhưng J-15 chỉ là bản sao lỗi Su-33

Hoài Nam - 25/12/2019 08:00

Trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc rằng tiêm kích hạm J-15 của nước này vượt trội Su-33 nguyên bản, Nga cho biết “Cá mập bay” chỉ là sản phẩm lỗi.

Hiện nay Không quân Hải quân Trung Quốc đã được biên chế một trung đoàn tiêm kích hạm J-15 Flying Shark (Cá mập bay) để trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16), dự kiến sẽ có thêm 24 chiếc nữa được sản xuất trong tương lai gần để biên chế cho tàu Sơn Đông (CV-17).

Trung Quốc tự tin tuyên bố rằng chiếc J-15 của mình là tiêm kích hạm tốt nhất thế giới vào thời điểm hiện tại khi tính năng kỹ chiến thuật của nó vượt trội Su-33 sản xuất dưới thời Liên Xô nhờ được ứng dụng nhiều thiết bị điện tử hàng không tiên tiến.

Mặc dù vậy, trang Avia.pro của Nga trích dẫn bình luận của các chuyên gia quân sự nhận định rằng còn rất xa nữa J-15 của Trung Quốc mới tiệm cận được chất lượng Su-33, chiếc chiến đấu cơ này không thể sử dụng trong các nhiệm vụ quân sự quan trọng.

Tiêm kích hạm J-15 cất cánh từ tàu sân bay

Dòng J-15 được Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) sao chép từ tiêm kích hạm Su-33 của Liên Xô, sau khi Trung Quốc mua nguyên mẫu chưa hoàn thiện mang tên mã T-10K-3 từ Ukraine vào năm 2001. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử, radar, động cơ và vũ khí do Bắc Kinh tự phát triển, nhưng chất lượng của chúng bị nghi ngờ ngay từ đầu.

“Trung Quốc quyết định tiết kiệm tiền bằng phương án mua chiếc T-10K-3, thay vì đặt hàng số lượng lớn Su-33 kèm giấy phép sản xuất của Nga. Kết quả là quá trình phát triển J-15 kéo dài và tốn kém hơn dự kiến, những chiếc máy bay xuất xưởng cũng có độ tin cậy thấp”, nhà phân tích quân sự Vasily Kashin đánh giá.

“Xét một số tính năng, Su-33 cho thấy sự vượt trội khi đặt cạnh F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ. Tuy nhiên khi hoạt động chúng gặp một số khó khăn khi vì cả tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, Sơn Đông và Liêu Ninh đều có sàn cất cánh kiểu nhảy cầu, trong khi Su-33 và J-15 là một trong những tiêm kích hạm nặng nhất hiện nay”.

“Điều đó sẽ làm hạn chế nghiêm trọng đến lượng nhiên liệu và vũ khí mà chúng có thể mang theo, từ đó giới hạn phạm vi và hiệu quả chiến đấu”, truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ các chuyên gia quân sự cho biết.

Ton hang ty USD nhung J-15 chi la ban sao loi Su-33
J-15 bị các chuyên gia Nga nhận xét là thua xa Su-33 dù cho phát triển sau

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tin rằng hiệu suất kém của J-15 nằm ở việc sao chép mẫu thử T-10K của Liên Xô nhưng các nhà thiết kế Trung Quốc chưa nắm rõ hoàn toàn ý tưởng bên trong mà họ chỉ đơn giản là mô phỏng lại mà thôi.

Không chỉ có vậy, mặc dù ra đời đã lâu nhưng khi chiếc Su-33 trải qua quá trình hiện đại hóa với các thiết bị của Su-30SM như radar mảng pha quét thụ động N011M BARS-M hay động cơ 2D TVC AL-31FN thì nó sẽ có hiệu suất tác chiến vượt xa J-15.

Độ tin cậy của động cơ WS-10H trên J-15 cũng chưa được chứng minh, nhất là khi Bắc Kinh vẫn gặp khó khăn trong việc chế tạo động cơ phản lực hiện đại. Nhiều chiếc J-15 vẫn sử dụng động cơ AL-31F do Nga chế tạo cho chiến đấu cơ Su-27.

Dù được coi là bước tiến lớn với hải quân Trung Quốc, J-15 khó lòng tạo nên sự khác biệt trong tác chiến trên biển. Nó chỉ có thể vận hành trên tàu sân bay sử dụng cơ chế cầu nhảy (ski-jump), giới hạn đáng kể tải trọng vũ khí và nhiên liệu mang theo trong mỗi nhiệm vụ.

Chính vì vậy, báo chí Nga cho rằng bất chấp việc đã đổ hàng tỷ USD vào dự án J-15, sản phẩm mà Trung Quốc nhận được chỉ là một chiếc tiêm kích hạm chắp vá và còn đầy lỗi rất khó khắc phục.

Hoài Nam (tổng hợp)

Bài mới
Đọc nhiều