+
Aa
-
like
comment

Tội vu khống, bịa đặt, bôi nhọ danh dự người khác sẽ bị xử phạt thế nào?

23/09/2021 14:04

Vu khống người khác đã được Bộ Luật hình sự ghi nhận là một trong những tội phạm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người và cần phải trừng trị.

Thời gian gần đây, trên một số mạng xã hội xuất hiện tình trạng cá nhân sử dụng các tính năng của mạng xã hội như phát sóng trực tiếp… để chia sẻ thông tin, nội dung đến cộng đồng. Nếu những nội dung này là vu khống, bịa đặt bôi nhọ danh dự người khác, thì sẽ bị xử phạt thế nào?

Vu khống người khác là hành vi bịa đặt chuyện xấu cho người khác, hư cấu những chuyện không có thật hoặc vu oan, bịa đặt, tố cáo chuyện người khác phạm tội mà mình biết rõ là không có thật. Vu khống người khác đã được Bộ Luật hình sự ghi nhận là một trong những tội phạm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người và cần phải trừng trị.

Theo pháp luật, tội vu khống người khác là gì?

Theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì vu khống người khác là việc “bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”, hoặc “bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”.

Tội vu khống, bịa đặt, bôi nhọ danh dự người khác có thể bị xử phạt đến 7 năm tù giam và bồi thường đến 10 tháng lương

Như vậy, vu khống người khác là hành vi bịa đặt, xuyên tạc những chuyện biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác. Người phạm tội này có hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến người khác.

Việc đưa ra những thông tin nói trên có thể dưới dạng truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua thư từ, đơn tố giác,…Trong trường hợp này, người phạm tội biết rõ những thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vu khống người khác nhằm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Khung hình phạt đối với tội vu khống người khác

Người có hành vi vu khống người khác khi có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm “vu khống người khác” thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

–  Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

–  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với 02 người trở lên; đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đối với người đang thi hành công vụ. Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

–  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

Vì động cơ đê hèn; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát.

Ngoài những hình phạt trên thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vu khống người khác thì theo quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý để hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại.

Ngoài ra phải bồi thường khoản tiền khác (do các bên thỏa thuận) để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Bà Nguyễn Phương Hằng

Trước đó Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn của ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (NSƯT Hoài Linh) và bà Trịnh Kim Chi (NSƯT Kim Chi) tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng (50 tuổi, Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam ở Bình Dương).

Sau khi xem xét nội dung đơn, các đơn tố cáo đã được Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp nhận để xử lý, xác minh theo đúng thẩm quyền. Các nghệ sĩ tố cáo bà Hằng về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự…

Thời gian qua, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục làm dậy sóng mạng xã hội, từ những livestream đề nghị một số nghệ sĩ phải sao kê từ thiện; đồng thời tố các nghệ sĩ này ăn chặn tiền từ thiện…

Trâm Anh 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều