+
Aa
-
like
comment

Tôi thích cách mà ông Park Hang-seo nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình

Lữ Khách - 17/01/2020 12:02

Vậy là liều “thuốc phiện” cho giấc mơ và phép thắng lợi tinh thần thăng hoa không có! Những lời tung hô, những ca tụng và cả những lợi dụng sẽ biến mất như nó chưa hề tồn tại. Nhưng tôi thích, rất thích cách mà ông Park nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình. Không đổ lỗi cho học trò, không tại bị thì do… bất cứ ai hay cái gì hết. Ông là dân chơi đáng trân trọng!

Người ta nói “bông chín là bông lúa biết cúi đầu”, chính cái cách ông Park phát biểu sau trận đấu với Triều Tiên tại sân Rajamangala rằng “Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả này”, khiến người ta càng kính trọng ông.

Điều khiến người ta khâm phục hơn cả đó chính là việc cương quyết bảo vệ học trò và nhận sai lầm về mình khi xuất hiện những trận đấu có kết quả không như ý. Hôm qua, thầy Park từ chối đổ lỗi cho học trò sau sai lầm: “Tôi cảm thấy tệ, thật sự tệ về kết quả của trận đấu và sai lầm của Dũng. Nhưng cậu ấy có lẽ còn cảm thấy tệ hơn tôi. Sai lầm hôm nay sẽ là động lực để Dũng sửa chữa và trở thành một thủ môn giỏi hơn”. Không chỉ trận hôm nay, mà trong trận đấu với Thái Lan, huấn luyện viên Park không ngần ngại nhận sai lầm về phía mình và thẳng thắn lên tiếng bảo vệ Văn Toản “Không có lý do gì để trách móc cậu ấy”. Nhờ vậy, chúng ta thấy đội tuyển không gục ngã khi bị dẫn bàn; ăn mừng bao giờ cũng nhớ đến thầy đến đồng đội bị chấn thương; biết bảo vệ nhau trước dư luận… Họ thi đấu vì có một người thầy, như một người cha luôn có mặt bên cạnh, chở che thực lòng cho họ. Từ trái tim đến trái tim là vậy đó.

Thầy Park làm tóc cho học trò

Tuy nhiên, yêu thương ngưỡng mộ nhưng không mù quáng. Trận chiến hôm qua là cần thiết để thức tỉnh những con người mãi ngủ trong chiến thắng mà quên mất ông Park cũng như chúng ta – một người bằng xương bằng thịt. Cần phải nhìn nhận rõ, dù hôm qua có thua và bị loại là cần thiết, với thực lực từng ấy không thể thắng mãi được.

Hy Lạp, Đan Mạch hay Croatia có thể đột nhiên tưng bừng trong một, hai mùa giải nhưng cuối cùng họ cũng phải trở về đúng vị trí của mình. Nền tảng của những nền bóng đá hàng đầu như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Brazil, argentina không thể hình thành từ trong vài năm. Họ có gốc là hệ thống đào tạo bóng đá trẻ rất bài bản và cấp CLB luôn thống trị châu lục, thế giới. Họ cũng có hết lớp cầu thủ này đến lớp khác luôn là những ngôi sao hàng đầu thế giới.

Trong khi ấy dù ông Park có tài đến đâu và lứa cầu thủ u23 ở Thường Châu có nỗ lực thế nào thì chưa ai trong số họ trụ được ở các CLB hạng hai, hạng ba của châu Âu hay chỉ là các bản hợp đồng thương mại ở châu Á. Còn CLB, chưa đội nào vươn đến tầm châu lục và thường xuyên bị loại ngay vòng bảng ở các giải đấu.

Điều quan trọng nhất là cần nhận ra, một giải đấu thành công ở Thường Châu chưa làm nên đẳng cấp, nó là chiến tích bất ngờ. Để duy trì thành quả đó là khó. Dư luận cần phải chấp nhận thực tế, bóng đá của Việt Nam vẫn cần học hỏi rất nhiều. Người hâm mộ cũng cần khiêm tốn và kiên nhẫn hơn.

Sự ngạo mạn từ truyền thông, từ người hâm mộ sẽ có tác động tiêu cực đến việc học hỏi, rèn luyện của cầu thủ. Chúng ta chưa phải đội bóng có số má của châu lục. Hãy nhớ, không một HLV một đội bóng nào có thể bách chiến bách thắng. Thôi về ăn Tết. Chinh chiến cũng nhiều rồi.

Cũng phải có 1 giải đấu thất bại để chúng ta nhìn lại mình, biết mình là ai để còn tiến bộ chứ. Với sự thật như vậy, về nước sớm là điều cần thiết cho tất cả để biết mình là ai.

Lữ Khách

Bài mới
Đọc nhiều