+
Aa
-
like
comment

‘Tôi sẵn sàng đón Tết xa nhà, không về Quảng Ninh’

29/01/2021 16:04

Dịch bệnh bất ngờ bùng phát ở những ngày cận Tết Nguyên đán, nhiều người học tập và làm việc ở xa lo không thể về quê đón năm mới.

Sáng 28/1, Bộ Y tế thông báo phát hiện 2 người mắc Covid-19 tại Quảng Ninh và Hải Dương. Cùng ngày, liên tiếp ca nhiễm mới được ghi nhận, đưa hai địa phương này thành ổ dịch mới.

Sau 55 ngày không xuất hiện ca mắc mới ở cộng đồng, tính đến sáng 29/1, Việt Nam có thêm 93 bệnh nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây được đánh giá là ổ dịch lớn nhất phát hiện trong cộng đồng từ trước đến nay.

Thời điểm này, đối với những người con xa quê, nhất là ở vùng dịch Quảng Ninh, Hải Dương, ngoài mong mỏi dịch bệnh sớm được khống chế để ổn định cuộc sống còn là hy vọng về một cái Tết được sum vầy bên gia đình, người thân.

Sẵn sàng đón Tết xa nhà

Nghiêm Ngọc (quê Quảng Ninh, đang làm việc tại TP.HCM) đặt chuyến bay về nhà ăn Tết vào ngày 6/2. Song khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, cô đã phải hủy vé vì sân bay Vân Đồn đóng cửa.

Ngày 28/1, Ngọc định đặt vé khác về sân bay Cát Bi (Hải Phòng) rồi nhờ người nhà đến đón. Nhưng đến buổi tối, địa phương này cũng có lệnh phong tỏa.

“Hôm qua bạn mình báo tin một số địa phương phải thực hiện phong tỏa chống dịch. Các chuyến bay cũng đều bị hủy. Mình xác định năm nay phải ăn Tết tại TP.HCM”.

Đã đi học, đi làm xa nhà 11 năm nhưng đây là lần đầu tiên, có thể Ngọc không về quê đón Tết. Bởi vậy, điều khiến cô buồn nhất là cả năm chỉ có dịp này được quây quần bên gia đình lâu nhất nhưng cô không thể về.

nguoi Quang Ninh ve que anh 1
Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh ra công điện khẩn dừng hoạt động vận tải hành khách bao gồm các tuyến cố định, hợp đồng, xe buýt, taxi, phà từ 6h sáng 28/1 đến khi có thông báo tiếp theo. 

Ngọc cho hay sau nhiều lần dịch bùng phát, cô không quá lo lắng về việc bố mẹ phòng, chống dịch. Ngược lại, người thân thấy lo hơn khi cô làm việc ở thành phố lớn, thường xuyên phải tiếp xúc với mọi người.

“Bố mẹ mình gọi điện dặn là dịch bệnh không về được thì phải đi siêu thị mua đồ ăn bỏ kín tủ lạnh, vì biết mình có thói quen hay bỏ bữa. Ông bà cũng chỉ sợ cháu gái trực Tết lại lười ăn thôi”.

Ngọc nói dù biết bố mẹ có hụt hẫng vì con có thể không về được nhưng khi nói chuyện điện thoại, mẹ cô chỉ nói khéo, tránh nhắc đến chữ “buồn” vì sợ con nghĩ ngợi.

Sắp sửa một mình đón năm mới ở nơi xa, Ngọc vẫn giữ tâm trạng thoải mái.

“Bạn bè đa số làm việc và sinh sống ở Hà Nội nên chắc mình sẽ chỉ ở trong nhà trực Tết thôi. Nếu thấy vui vui có thể ra đường chơi một chút. Mình không thấy nặng nề lắm, cũng không nghĩ nhất thiết phải đón Tết cùng ai. Ở lại đây giống như ‘một mình một thế giới’”.

Sẵn sàng ở lại Hà Nội

“Nếu dịch diễn biến phức tạp, mình sẵn sàng ăn Tết xa quê để đảm bảo phòng chống dịch trong cộng đồng. Lúc này, sức khỏe là quan trọng nhất”, Lê Quỳnh Anh (25 tuổi, Quảng Ninh) khẳng định với PV khi nói về đợt dịch mới bùng phát ở quê nhà.

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cô gái quê Uông Bí vừa đi làm, vừa học văn bằng 2 ở một trường đại học khác tại Hà Nội. Ngày 28/1, nghe tin về bệnh nhân 1553 tại Quảng Ninh, lại biết tỉnh có chỉ thị ngưng hoạt động vận tải hành khách ra vào tỉnh, Quỳnh Anh khá hoang mang.

“Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, mình sợ không thể về nhà. Nhưng sau khi theo dõi diễn biến, lịch trình của các ca bệnh thì mình hiểu rằng các biện pháp phòng dịch như vậy là vô cùng cần thiết”, cô cho biết.

“Lúc mới nghe tin, mẹ mình cũng nhanh chóng gọi điện hỏi han, dặn dò. Dì mình còn lo quá, đòi thuê xe riêng cho cả con gái và mình về quê nhanh. Nhưng mình trấn an dì, nói rằng thời điểm này về Quảng Ninh còn nguy hiểm hơn, tốt nhất là đang ở đâu thì ngồi yên đó”.

nguoi Quang Ninh ve que anh 2
Người dân vùng dịch và nhiều địa phương được khuyến cáo hạn chế đi lại và tuân thủ quy định phòng dịch.  

Nhà neo người, hàng năm, Quỳnh Anh luôn cố gắng về đón Tết sớm với gia đình. Tuy nhiên năm nay, cô đã chuẩn bị tinh thần mình và người thân sẽ có một cái Tết thật khác.

Quỳnh Anh cho biết nhà cô cách nơi sinh sống của bệnh nhân 1553 khá xa, song dựa theo lịch sử đi lại, tiếp xúc của người này, cô nhanh chóng gọi về nhà dặn người thân hạn chế đi lại, đến nơi đông người để phòng dịch, bản thân cô ở Hà Nội cũng hủy các cuộc tụ hẹn tụ tập với bạn, ít ra ngoài.

“Các thành phố lân cận Quảng Ninh, Hải Dương cũng đã có F0, F1, F2 rồi. Lúc này, sự cẩn thận vừa là giúp bản thân, gia đình vừa là giúp những người xung quanh và đội ngũ chống dịch”, cô chia sẻ.

Đối với Quỳnh Anh cũng như nhiều người con xa quê khác, điều mong muốn duy nhất lúc này là lực lượng phòng chống dịch sớm kiểm soát được tình hình.

“Để làm được điều đó, mỗi người dân đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài khai báo lịch sử đi lại trung thực, mọi người cần hạn chế đến nơi công cộng, không tham gia tụ tập mà hãy cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt”, Quỳnh Anh bày tỏ.

Ánh Hoàng – Đào Phương/ ZF

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều