Tôi phát hiện ra một giải đất kỳ bí!
Gần đây, trước dư luận nóng lên về đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng vừa làm xong đã nứt toác. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, mưa đã gây ra hiện tượng nền đường ngậm nước, phát sinh hư hỏng nền, mặt đường.
Vì thế, tôi chả có chút gì thắc mắc khi lại thấy vừa rồi thêm chuyện Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trước câu hỏi của báo chí và nhân dân vì sao đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng xây dựng cao tốc đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ vừa đưa vào sử dụng tháng 8.2017 và đoạn Tam Kỳ – Quảng Ngãi cũng mới thông xe tháng 9.2018 đã hư hỏng, ông ấy bảo rằng đường bị hỏng là có nguyên nhân do nước mưa đọng trên đường.
Đó là chuyện mưa, còn chuyện nắng thì nhớ lại tháng 5 năm 2012 khi mặt cầu Thăng Long hỏng, những ụ nhựa đường trồi lên cao tới 20 cm, ổ gà trơ lõi sắt xuất hiện ngày càng nhiều trên cây cầu huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài này. Lãnh đạo Ban quản lý dự án 2 (PMU 2) thuộc Bộ GTVT cho biết, nguyên nhân cầu hỏng được xác định là do “nắng nóng”.
Nắng nóng làm hỏng đường được một cơ quan quản lý của bộ chuyên về quản lý cầu, đường kết luận thì làm sao mà có thể sai được cơ chứ.
Vì thế, từ chuyện mưa và nắng là nguyên nhân gây ra hỏng đường dẫn dắt tôi phát hiện ra một điều thú vị trên đất nước Việt Nam chúng ta có giải đất kỳ bí, đó là đoạn đường Quốc lộ 21 từ Sơn Tây đi Xuân Mai – con đường do Cuba xây dựng tặng Việt Nam dù được xây dựng cách đây 38 năm (1976), các loại xe, kể cả xe tải trọng lớn lưu thông tại sao không hỏng nhỉ?
Trước đây không hiểu, bây giờ thì nhờ bộ GTVT, tôi hiểu ra rồi: Chỉ có thể là do con đường này không bao giờ gặp mưa, cũng không bao giờ bị nắng thì mới tồn tại 38 năm vẫn không bị hỏng.
Đúng là thiên nhiên đã ban tặng cho nước ta cả một giải đất để làm con đường 21 cũ lại là giải đất kỳ bí ở đấy không bao giờ có mưa cũng chẳng có nắng. Tin tôi đi. Ai dám bác bỏ phát hiện đặc sắc của tôi về nguyên nhân bền vững của con đường Cuba làm ở đó nào? Đố đấy!
Nguyễn Đoàn