‘Tội phạm xảo quyệt’ 10 năm trời mang đơn ‘gõ cửa’ khắp nơi kêu oan
Ông Hinh bị quy kết là tạo hiện trường vụ trộm giả để “tham ô tài sản”, nhưng bất ngờ là sau khi ông thụ án xong, kẻ trộm thực sự mới lộ diện.
Xuất phát từ một vụ trộm cắp tài sản, ông Nguyễn Văn Hinh – thủ quỹ Nông trường Tân Lập (ấp 5, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) – bị bắt tạm giam 9 tháng, sau đó bị truy tố, xét xử và bị phạt tù về tội… tham ô tài sản.
Ông Hinh bị quy kết là tạo hiện trường vụ trộm giả để “tham ô tài sản”, nhưng bất ngờ là sau khi ông thụ án xong, kẻ trộm thực sự mới lộ diện. Suốt gần 10 năm qua, ông Hinh mang đơn “gõ cửa” khắp nơi để kêu oan cho mình…
Từ thủ quỹ trở thành… “tội phạm xảo quyệt”
“Rạng sáng 21-10-2002, tại Nông trường Tân Lập thuộc Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang – nơi tôi đang làm thủ quỹ – bị trộm bẻ khóa két sắt lấy gần 170 triệu đồng.
Đó cũng là thời điểm cuộc đời tôi bước vào những ngày đen tối. Từ một đảng viên đầy nhiệt huyết, tôi trở thành tên “tội phạm xảo quyệt” – theo như cáo trạng quy kết”, ông Nguyễn Văn Hinh (53 tuổi, ngụ xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) chua chát mở đầu câu chuyện buồn của đời mình.
Sau khi xảy ra vụ trộm, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang mời ông Hinh “hợp tác điều tra” rồi tạm giam ông suốt 9 tháng trời.
Đến ngày 22-7-2003, Viện KSND tỉnh Tiền Giang ra cáo trạng truy tố ông Hinh tội “tham ô tài sản”, với thủ đoạn “xảo quyệt, nguy hiểm”. Cụ thể, cáo trạng nêu: sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Hinh đã làm giả hiện trường bị mất trộm tiền quỹ để che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản bằng cách đập phá cửa sổ bằng kính, bẻ gãy khung sắt cửa sổ của phòng kho quỹ rồi gỡ lấy cánh cửa sổ ném xuống mương cách đó khoảng 20m…
Điều đáng nói vào thời điểm này, cơ quan công an cũng đã phát hiện đối tượng Đồng Ngọc Điệp (sinh năm 1981, ngụ xã Tân Hương, huyện Châu Thành, Tiền Giang) – một người dân sống gần hiện trường vụ trộm – có nhiều dấu hiệu bất minh liên quan đến vụ mất trộm trên. Cụ thể, ngày 4-11-2002 cơ quan công an đã mời Điệp đến làm việc, nhưng sau đó Điệp đã bỏ trốn.
“Sau khi bắt giam, cơ quan điều tra đã ép cung, buộc tôi thừa nhận là đã dựng hiện trường vụ trộm giả để che giấu hành vi tham ô số tiền trên 31 triệu đồng. Đồng thời buộc tôi phải bồi thường toàn bộ số tiền trong két sắt bị kẻ trộm lấy mất”, ông Hinh kể lại.
Về số tiền hơn 31 triệu đồng mà ông Hinh bị quy buộc “tham ô tài sản”, ông Hinh giải thích: “Trước khi vụ trộm xảy ra, tôi có mượn 31.911.000 đồng của nông trường. Đây là số tiền tôi thu hộ tiền lãi của các hộ nhận khoán cho Ngân hàng Nông nghiệp huyện Tân Phước. Điều quan trọng là tôi đã hoàn trả số tiền này vào két sắt kho quỹ trước khi vụ trộm xảy ra”.
Tháng 9-2003, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt ông Nguyễn Văn Hinh 3 năm tù (cho hưởng án treo) về tội “tham ô tài sản”.
Vụ trộm là có thật
Sau khi thụ án xong, gia đình ông Hinh rơi vào túng quẫn. Đất đai phải bán hết để nộp tiền “khắc phục hậu quả” cho nông trường theo bản án tuyên. Bản thân ông Hinh sau 9 tháng tạm giam cũng bị bệnh không còn đủ sức khỏe để đi làm, nhưng do kinh tế kiệt quệ ông vẫn phải bươn chải đi làm phụ hồ để nuôi vợ con.
Tưởng chừng như phải mang tiếng oan suốt đời nhưng thật không ngờ đến ngày 30-7-2009, TAND huyện Tân Phước đưa bị cáo Đồng Ngọc Điệp ra xét xử về tội trộm cắp tài sản. Và Điệp chính là thủ phạm trong vụ trộm tiền tại Nông trường Tân Lập vào rạng sáng 21-10-2002, vụ trộm mà cơ quan điều tra đã quy kết ông Hinh “tạo hiện trường vụ trộm giả để che giấu hành vi tham ô tài sản”.
Theo lời khai của Điệp, vào khoảng 1h ngày 21-10-2002, Điệp đạp xe đến Nông trường Tân Lập đập bể cửa kính của kho quỹ rồi thò tay vào mở chốt cửa, sau đó trộm khoảng 175 triệu đồng trong két sắt đem về nhà giấu.
Thời gian này, Điệp tung tin mình trúng số độc đắc và dùng số tiền trộm được mua xe máy, cất nhà, xây cầu phúc lợi… Đến ngày 4-11-2002, khi công an xã có giấy mời làm việc, biết sự việc bại lộ nên Điệp ôm số tiền còn lại bỏ trốn.
Đồng Ngọc Điệp sau đó bị TAND tỉnh Tiền Giang xử phạt 4 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”, tổng hợp với mức án 4 năm tù trước đó của TAND TP Phan Thiết (Bình Thuận) là 8 năm tù. Về phần dân sự, tòa buộc bị cáo Điệp hoàn trả cho Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang số tiền trên 169 triệu đồng.
Như vậy, bản án đã khẳng định ông Hinh không phải là “tên trộm xảo quyệt” đã “dựng hiện trường vụ trộm giả để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Tiền “tham ô” không hề mất?
Sau khi bản án có hiệu lực, Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang đã hoàn trả cho ông Hinh số tiền trên 169 triệu đồng mà bản án của tòa trước đó buộc ông phải “khắc phục hậu quả tội” cho công ty.
“Nhưng danh dự của tôi đã bị mất; đất đai, tài sản của tôi cũng phải bán tháo với giá rẻ mạt bởi những điều tra sơ sài của các cơ quan chức năng gây ra.
Gần 10 năm qua, tôi mang đơn gửi khắp nơi để xin chánh án TAND cấp cao, viện trưởng Viện KSND cấp cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm để minh oan nhưng chưa được chấp nhận”, ông Hinh nói.
Vì sao các cơ quan tố tụng không xem xét minh oan cho ông Điệp? Theo lập luận của Viện KSND tối cao, TAND tỉnh Tiền Giang kết án ông Hinh về tội “tham ô tài sản” với số tiền là trên 31 triệu đồng và khoản tiền mà Đồng Ngọc Điệp trộm cắp là hai việc khác nhau.
Bởi vì khoản tiền 31 triệu đồng ông Hinh bị quy kết “tham ô tài sản” là khoản thu nợ tiền lãi của các hộ nhận khoán cho ngân hàng nhưng ông không nộp vào quỹ của nông trường mà lấy sử dụng cho mục đích cá nhân.
Do vậy, TAND tỉnh Tiền Giang đã xét xử ông về tội tham ô tài sản và buộc ông phải hoàn trả số tiền này là đúng pháp luật. Còn khoản 169 triệu đồng do bị cáo Điệp trộm là khoản tiền thực tế có trong két thủ quỹ, khoản tiền này không có liên quan gì tới khoản tiền mà ông Hinh tham ô.
Về vấn đề này, luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang) nói: “Theo tôi, việc Viện KSND tối cao cho rằng số tiền tham ô trên 31 triệu đồng và khoản tiền mà bị cáo Điệp trộm là hai khoản hoàn toàn khác nhau là không chính xác. Bởi lẽ số tiền hơn 31 triệu đồng ông Hinh đã đưa vào trong một ngăn của két sắt chính là một phần tiền trong tổng số tiền hơn 169 triệu đồng mà Điệp đã trộm”.
Luật sư Triết chứng minh: “Sau khi vụ trộm được phát hiện và xét xử, Nông trường Tân Lập đã đối chiếu số liệu chứng từ tổng số tiền trong két sắt với số tiền bị trộm thì nông trường không mất một đồng nào.
Do vậy từ sự thật khách quan này, theo tôi, các cơ quan hữu quan nên xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng ông Hinh không phạm tội tham ô tài sản để trả lại danh dự cho cá nhân và gia đình ông Hinh”.
Diễn tiến vụ trộm đáng ngờ nhưng bị bỏ qua
Vào khoảng 1h ngày 21-10-2002, Nông trường Tân Lập bị mất trộm 169 triệu đồng. Sau đó, ông Hinh bị bắt vì cơ quan điều tra cho rằng ông cố tình tạo hiện trường vụ trộm giả để che giấu tội tham ô tài sản số tiền 31 triệu đồng.
Ngày 4-11-2002, Đồng Ngọc Điệp bị tình nghi là thủ phạm vụ trộm. Công an xã có giấy mời làm việc thì Điệp bỏ trốn. Thế nhưng cơ quan điều tra không tiếp tục làm rõ Điệp có phải là thủ phạm hay không.
Tháng 7-2003, ông Hinh bị truy tố tội tham ô tài sản. Tháng 9-2003, ông Hinh bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội danh trên, sau khi bị tạm giam 9 tháng.
Năm 2009, bất ngờ Đồng Ngọc Điệp bị bắt và đưa ra xét xử vì đã thực hiện vụ trộm trên. Lúc này sự thật mới lộ ra, ông Hinh không hề “tạo hiện trường vụ trộm giả để che giấu hành vi tham ô tài sản”.
MẬU TRƯỜNG – HOÀI THƯƠNG/TTO