Tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn lách luật
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 trước Quốc hội, sáng 4/11, Uỷ ban Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng ngày càng có nhiều chiêu trò tinh vi lách luật và việc tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp.
Tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng
Uỷ Ban Tư pháp nhận thấy, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó.
Nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, nhưng do không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố này để xử lý nghiêm minh.
Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, với hình phạt nghiêm khắc. Các cơ quan tư pháp đã tích cực thực hiện kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản nhằm bảo đảm thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát do tham nhũng…
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương có chuyển biến, nhưng chưa đều. Một số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội.
Uỷ ban Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và chưa bị đẩy lùi.
Đáng chú ý, theo cơ quan thẩm tra thì tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận.
Dẫn chứng được nêu là vụ một số cán bộ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang đang nhận hối lộ. Vụ 5 cán bộ của Thanh tra nhà nước tỉnh Thanh Hóa bị bắt quả tang nhận hối lộ.
Trong khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…
Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ 1/10/2018 đến 31/7/2019 đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 11,02% so với cùng kỳ 2018), 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ 2018).
Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Không khí đốt lò tiếp tục lan tỏa chống lại sự tinh vi của tội phạm tham nhũng
Chính phủ nhận định, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại buôn bán hàng cấm, hàng giả còn diễn biến phức tạp. Hoạt động lợi dụng triển khai cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng tham nhũng vặt trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Có thể nói nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là hệ thống chính sách, pháp luật, đặc biệt là các văn bản pháp luật về kinh tế của chúng ta còn thiếu và chưa đồng bộ; không ít văn bản pháp luật đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thể áp dụng bởi chưa có văn bản hướng dẫn; văn bản pháp luật chung chung, thiếu cụ thể, mỗi nơi áp dụng một kiểu. Thủ tục hành chính còn rườm rà, tốn kém, bất hợp lý đang là “kẽ hở” để những người thoái hóa biến chất lợi dụng tham nhũng, lãng phí.
Việc kiểm tra, giám sát từ bên trong bộ máy nhà nước để phát hiện tham nhũng vẫn đang là khâu yếu, chưa phát huy tác dụng; chế tài xử lý vi phạm thiếu chặt chẽ, rõ ràng, còn nhiều sơ hở.
Nhưng giải pháp đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng, Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhận thức về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên trong các cấp ủy, các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân”.
Đại hội chỉ rõ: “các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng chống tham nhũng… phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng lãng phí, bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng… ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”.
Rất nhiều thông điệp quan trọng đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong nhiều năm qua. Trong đó, thông điệp quan trọng nhất là: công tác phòng, chống tham nhũng không được chùng xuống, không được ngơi nghỉ mà cần được đẩy mạnh hơn nữa, quyết tâm hơn nữa nhằm làm trong sạch bộ máy, góp phần chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Điều đáng mừng nhất như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đó là đã bớt đi tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tình trạng tham nhũng vặt, đã khắc phục được những yếu kém trong khâu thu hồi tài sản hay tình trạng án treo… Rõ đến đâu làm đến đấy. Làm có căn cứ, bằng chứng, thận trọng để không bỏ lọt cũng như quy oan cho người không có tội. Hàng loạt quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị định của Chính phủ đã được ban hành nhằm ngăn chặn từ gốc những biểu hiện tham nhũng…
Nhân dân phấn khởi, tin tưởng khi lại thấy không khí “đốt lò” tiếp tục lan tỏa trong xã hội mà có những thời điểm, họ từng lo lắng, trăn trở rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng có thể chậm lại, có thể trùng xuống.
Trong một bài viết hồi tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Đại hội Đảng bộ các cấp là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Còn tại phiên họp lần này, Nhà lãnh đạo cao nhất đất nước một lần nữa khẳng định: “Dứt khoát không để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức vào cấp ủy sắp tới. Nơi nào để xảy ra thì nơi đó sẽ bị kỷ luật”.
Thông điệp mạnh mẽ ấy sẽ được hiện thực hóa trong những giải pháp về phòng chống tham nhũng cho những tháng còn lại của năm 2019 cũng như những năm tiếp theo.
Hồng Đinh