Tội phạm gia tăng và cái nhìn về bộ phim “Người phán xử”
Vừa qua đã diễn ra phiên thảo luận về dự án luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, Thiếu tướng Lê Tấn Tới – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh có phát biểu như sau: “Mới đây, sau khi VTV chiếu phim ‘Người phán xử’ thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều. Đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim lại thể hiện pháp luật không giải quyết được mà để một ông trùm làm người phán xử, ‘phán xử’ cả lực lượng công an”.
Không bàn tới vấn đề đúng sai bởi đây là nghệ thuật, mà nghệ thuật thì cần cái nhìn đa chiều chứ không thể lý giải qua những logic thông thường. Một bộ phim truyền tải rất nhiều thông điệp và mỗi người xem lại có cách tiếp nhận nó khác nhau bởi nhân sinh quan của mỗi người là một thế giới rất riêng. Chính vì vậy, để bàn luận về phát biểu của Thiếu tướng một cách trọn vẹn nhất, ta phải xét qua nhiều khía cạnh.
Đầu tiên, trên phương diện nghệ thuật, khó có thể phủ nhận đây là một bộ phim hay và kịch tính. Nó thu hút lượng khán giả đông đảo từ nhiều độ tuổi, nhiều thành phần trong xã hội, chứng tỏ nó sức hấp dẫn với đại chúng. Bộ phim không chỉ xoáy vào vấn đề tội phạm, một chủ đề vừa lạ vừa quen, “Người phán xử” khai thác đề tài này theo một cách hoàn toàn khác các phim truyền hình trước đây, gây hứng thú và thu hút người xem. Bên cạnh đó, bộ phim cũng nói về tình cảm gia đình, Ông trùm Phan Quân dù máu lạnh, độc ác tới đâu thì vẫn luôn đề cao những giá trị của gia đình. Ông có câu nói nổi tiếng mà theo tôi những người từng xem Người phán xử đều thuộc lòng: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn các thứ khác có hay không có không quan trọng”. Chính vì vậy, phim không chỉ thỏa mãn người xem qua những cảnh hành động kịch tính, qua những tình tiết gây án tinh vi của tội phạm mà còn chạm tới tâm tư người xem bởi những giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình. Qua đó có thể khẳng định, đây không phải là một bộ phim về chủ đề tội phạm hay bạo lực mà nó là một bộ phim gia đình, phù hợp cho đông đảo người xem ở mọi độ tuổi.
Về khía cạnh pháp luật, cũng là vấn đề gây tranh cãi nhất, một bộ phim truyền hình “Người phán xử” trước khi lên sóng cũng đã trải qua quá trình được kiểm duyệt kỹ càng và không vi phạm Luật Điện ảnh. Tuy bộ phim có khá nhiều cảnh bạo lực và sử dụng ngôn ngữ đường phố, nhưng trên góc độ giá trị nghệ thuật, nó là điều cần có để phản ánh về xã hội của giới tội phạm. Khuôn khổ là điều cần thiết, nhưng nếu quá giới hạn sẽ khó lòng sáng tạo, bởi điện ảnh cũng là tiếng nói chân thật của cuộc sống, đừng nên quá cứng nhắc và gò bó nó trong những quy chuẩn thông thường. Bên cạnh đó, bộ phim cũng rất tôn trọng những quy chuẩn đạo đức và giá trị của pháp luật. Qua nhiều tập và đến hồi kết, bộ phim cũng đã truyền tải những thông điệp nhân văn: Hãy sống trung hậu, yêu thương, đặc biệt là tôn trọng pháp luật, đừng làm điều phi pháp, trái đạo đức. Nếu phạm vào những quy ước chung đó của luật pháp, của xã hội, ai rồi cũng sẽ phải trả giá. Bộ phim rõ ràng là có tính răn dạy, dù tội phạm có xảo trá, tinh vi đến thế nào rồi cũng phải thất bại trước công lý.
Xã hội nào cũng có mảng sáng – mảng tối, việc phản ánh thói xấu, tệ nạn cũng là cách để cảnh tỉnh, phim ảnh không thể chỉ toàn mặt tốt, tô hồng, dễ gây ảo tưởng. Một khía cạnh tâm lý đáng suy ngẫm là thái độ tiếp nhận của chúng ta: Một người với tư tưởng trong sáng, tinh thần lành mạnh thì “Người phán xử” cũng không thể trở thành động cơ phạm tội cho họ được mà đó chỉ là lời răn đe cho họ không mắc phải sai lầm. Ngược lại, đối với những người đã có tâm lý lệch lạc, có ý đồ phạm tội thì có rất nhiều lời biện minh cho động cơ gây án. “Người phán xử” có thể đã bị dùng làm chất xúc tác, một cái cớ cho các đối tượng dấn thân vào tội lỗi. Nhưng dù vậy, cũng còn khá sớm để cho rằng “Người phán xử” là nguyên nhân duy nhất…
Bên cạnh tác động không mong muốn từ một bộ phim truyền hình, chúng ta cũng cần nhìn nhận vẫn còn rất nhiều yếu tố khác như an sinh xã hội, chính sách, thi hành pháp luật, nhiều biến cố trong gia đình, xã hội… Thực trạng vấn nạn các ổ nhóm tội phạm gia tăng là điều đáng lo ngại, nhưng thiết nghĩ, cũng cần có cái nhìn rộng hơn, những nghiên cứu khoa học xã hội, hành vi để xác định nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan của “làn sóng xã hội đen” như Thiếu tướng Lê Tấn Tới đề cập.
Dù vậy, lời cảnh báo của Thiếu tướng vẫn là điều cần thiết, không chỉ cho các cơ quan hữu quan, mà cho cả chính người dân chúng ta. Nếu không có cái nhìn đa chiều và một tư tưởng lành mạnh, chúng ta sẽ bị tác động một cách tiêu cực, thay vì được cảnh tỉnh bởi những bài học nhân văn của nó.
Đừng biến nghệ thuật thành lời biện minh cho lỗi lầm của bản thân.
LS Lê