+
Aa
-
like
comment

‘Tôi muốn xông vào cứu người gốc Á bị đánh, nhưng sợ hung thủ có súng’

07/04/2021 06:15

Khoảng 3/4 số người Việt tại Mỹ được hỏi trong cuộc khảo sát của Zing bày tỏ sẵn sàng can thiệp khi chứng kiến các cuộc tấn công người gốc Á, nhưng phần lớn có những nỗi sợ riêng.

Khi cụ bà 65 tuổi bị một người đàn ông đá vào bụng và đạp mạnh liên tiếp vào đầu, ba người đàn ông đã chứng kiến từ sảnh của tòa nhà chung cư sang trọng gần đó.

Họ nhìn chằm chằm ra cửa kính nhưng không ra giúp đỡ. Thậm chí, hai nhân viên bảo vệ còn đóng cửa lại khi nạn nhân cố gắng đứng dậy.

Vụ tấn công dã man ngay giữa đường phố cùng với sự thờ ơ của những người ngoài cuộc khiến nhiều người phẫn nộ.

Trên Washington Post, bạn đọc Ray Cheb bình luận: “Mặc dù tôi không thể trách mọi người vì đã không can thiệp về mặt vật lý trong cuộc tấn công diễn ra khoảng 12-14 giây, nhưng việc nhìn cảnh người đàn ông đóng cửa sau khi kẻ tấn công bỏ đi thật khiến người xem tức giận…”. Cây viết bình luận Alex Lo viết trên South China Morning Post rằng “New York đã một lần nữa củng cố tiếng tăm của thành phố về sự vô cảm”.

Nguoi Viet tai My anh 1
Một vụ tấn công người gốc Á ở New York hồi đầu tháng 2. Ảnh: Getty.

Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao nhân chứng lại không can thiệp dù tận mắt thấy bạo lực. Phải chăng đây là một hiện tượng suy đồi đạo đức hay có lý do nào khác?

Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng lý giải về trách nhiệm đạo đức trong việc giúp đỡ một người lạ gặp nạn và những động lực ngăn cản mọi người hành động, theo New York Times.

PV đã thực hiện một cuộc khảo sát giữa một nhóm nhỏ cộng đồng người Việt tại Mỹ với câu hỏi: Hãy tưởng tượng rằng bạn đang đi bộ trên phố và thấy một người đàn ông đánh đập phụ nữ lớn tuổi một cách dã man. Với tư cách chỉ là một người qua đường, bạn sẽ làm gì?

Trong khi một số người thể hiện mình sẵn sàng can thiệp nếu nhìn thấy các vụ tấn công, một số khác lại tỏ ra lo ngại vì nhiều nguyên nhân.

Sợ hãi chứ không phải thờ ơ

Chỉ có khoảng 17% người gốc Việt tại Mỹ được hỏi cho rằng họ sẽ không hành động gì khi nhìn thấy các vụ tấn công người gốc Á.

“Em muốn xông vào cứu nhưng em nghĩ là em sẽ sợ. Tại vì lỡ nó có súng. Nó làm gì em. Em còn trẻ lắm”, Vương Hữu Nam (19 tuổi) cho biết.

Mai Nguyen – 30 tuổi, hiện là kỹ sư phần mềm tại New York – cho biết mặc dù bản thân cô sẽ muốn đứng lên bảo vệ người bị hại, cô lo lắng cho sự an toàn của mình.

“Tôi muốn nghĩ rằng tôi sẽ cố gắng tham gia để bảo vệ nạn nhân. Nhưng tôi chỉ là một cô gái nhỏ bé và yếu đuối, vì vậy tôi lo sợ cho sự an toàn của bản thân”, cô nói. “Khả năng cao là tôi sẽ sợ hãi và bị shock. Tôi sẽ không đủ khả năng để nhận thức và hành động vì vụ tấn công diễn ra quá nhanh và bất ngờ”.

Nỗi sợ thường là nguyên nhân khiến cho nhiều người lo ngại khi can thiệp vào các cuộc tấn công bởi quyết định hành động có thể đi kèm với nhiều rủi ro, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.

Đầu năm nay, một người nhập cư từ Trung Quốc đã bị đâm chết khi cố gắng can ngăn cuộc tấn công trên đường phố ở Brooklyn. Năm 2020, một người đàn ông can thiệp vào một cuộc ẩu đả tại ga tàu điện ngầm Harlem bị đẩy xuống đường ray và bị tàu tông chết.

Theo ông Jackson Katz, người đồng sáng lập Mentors in Violence Prevention, sợ hãi chứ không phải thờ ơ là lý do chính khiến mọi người không hành động khi đối mặt với bạo lực.

“Đứng từ góc độ bên ngoài, thật dễ dàng để nhìn vào những người này và nói ‘Ồ, bạn thật hèn nhát, bạn thật thờ ơ’, nhưng nỗi sợ hãi về hệ quả thể xác có thể làm tê liệt, ngay cả khi một người đang rất khó chịu bởi những gì họ đang chứng kiến”, ông nói.

“Và đó là một nỗi sợ hãi thực tế, đặc biệt là ở một đất nước nơi súng đạn khắp mọi nơi”, chuyên gia này cho biết thêm.

Nguyễn Công Định (23 tuổi) đang sống tại Mỹ chia sẻ: “Sẽ rất khó và phức tạp để can dự trực tiếp tại bản thân có thể bị thương và ở đây (Mỹ) mọi người cũng có thể đem súng/dao bên người”.

Nguoi Viet tai My anh 2
Người phụ nữ Mỹ gốc Việt bị đánh gãy xương mặt. Ảnh: heyshyguy.

Về bài viết trên South China Morning Post, New York Times cho rằng định kiến này bắt nguồn từ một vụ án cũ và có thể không phản ánh đúng bức tranh toàn cảnh.

Vào năm 1964, người quản lý quán bar Kitty Genovese bị đâm chết bên ngoài tòa nhà ở quận Queens và hàng chục người hàng xóm đã lờ đi lời kêu cứu của cô. Theo New York Times, con số 38 người chứng kiến tội ác trên đã bị thổi phồng, và nó làm hằn sâu định kiến về sự vô cảm của đời sống đô thị.

Trong những năm sau đấy, các nghiên cứu lại cho thấy bức tranh ngược lại. Trong một nghiên cứu công bố năm 2019 trên American Psychologist, các nhà nghiên cứu đã xem lại băng ghi hình của 200 vụ bạo lực ở nơi công cộng tại 3 quốc gia và phát hiện trong 90% vụ việc, người đi đường đã can thiệp.

Số liệu trên cũng đồng nhất giữa 3 thành phố được nghiên cứu, gợi ý rằng sự thôi thúc trong con người được giúp đỡ người khác là một điều khá phổ quát.

“Nhưng im lặng nghĩa là chấp nhận”

Ở phía ngược lại, nhiều người cho rằng dù sợ hãi, nếu đứng im trong lúc người khác bị hành hung tức là chúng ta đang tiếp tay cho bạo lực và thù ghét. Nguyễn Khánh Duy – 19 tuổi, đang học tại Mỹ – chia sẻ: “Nếu nhìn thấy các vụ tấn công người gốc Á mà không hành động thì bản thân mình cũng là một phần của tội ác thù hận”.

Theo tiến sĩ Derald Wing Sue, giáo sư nghiên cứu tâm lý chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Đại học Columbia, việc mọi người giữ im lặng trước nạn phân biệt chủng tộc không chỉ gây ra đau đớn và khổ sở cho nạn nhân.

Trên hết, nó tạo ra cảm giác tội lỗi trong tâm trí người chứng kiến và sự đồng thuận sai lầm rằng phân biệt chủng tộc là hành động được chấp nhận.

Thay vì trực tiếp tham gia can dự, khoảng 70% người được hỏi trong cuộc khảo sát của Zing cho biết họ sẽ lựa chọn các giải pháp khác an toàn hơn như gọi điện cho cơ quan chức năng hay quay video sử dụng mạng xã hội để kêu gọi hỗ trợ.

“Trường hợp chưa đến mức đánh nhau thì tôi sẽ bỏ qua. Còn tới mức đánh nhau và biết đó là hate crime (hành vi tội phạm do thù ghét) thì tôi chỉ có thể đứng từ xa, gọi báo cảnh sát thôi”, Nguyễn Công Định nói.

Trong khi đó Nguyễn Kiều Trang (22 tuổi) cho biết sẽ nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng thông qua mạng xã hội.

Cô chia sẻ mình không quá tin tưởng vào cơ quan chức năng tại đây và việc kêu gọi trên mạng xã hội sẽ nâng cao nhận thức của nhiều người để lên án nạn phân biệt một cách có hệ thống và thể hiện tiếng nói của cộng đồng châu Á mạnh mẽ hơn.

Một số ý kiến khác thì cho rằng khi chứng kiến vụ việc cần xác định trước liệu đây có phải là hành động phân biệt chủng tộc không hay chỉ đơn thuần là vụ cãi cọ giữa những người quen biết.

Nếu xác định đây là vụ tấn công cần báo ngay với cơ quan chức năng như 911 để xin hỗ trợ. Hành động đứng ra can thiệp trực tiếp chỉ nên là giải pháp cuối cùng vì có thể gây tổn thương thân thể.

Bên cạnh đó, nhiều người đồng ý việc chụp ảnh và quay phim là cần thiết để làm bằng chứng trước tòa trong trường hợp có tranh chấp.

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, những thước phim, hình ảnh này còn có thể là nhân tố quan trọng giúp cộng đồng ý thức được vấn đề cũng như cùng lên án nạn phân biệt chủng tộc để tạo tiếng nói mạnh mẽ thay đổi xã hội.

Giang Phạm – 22 tuổi và đã có 5 năm sinh sống tại Mỹ – chia sẻ: “Mình may mắn khi chưa chứng kiến cuộc tấn công nào nhưng nếu gặp phải, mình đăng tải thông tin trên mạng xã hội để tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng người Việt”.

Nguoi Viet tai My anh 3
Người gốc Việt ở Mỹ thắp nến truyền đi thông điệp phản đối thù ghét và phân biệt chủng tộc. Ảnh: LA Times.

Theo tổ chức hoạt động chống thù ghét có tên Stop AAPI Hate, từ tháng 3/2020 đến tháng 2 năm nay, gần 3.800 vụ việc có tính chất thù ghét nhắm vào người gốc Á đã xảy ra.

Sẽ cần có sự dũng cảm để đứng lên phê phán cũng như bảo vệ nạn nhân trong các cuộc tấn công như vậy.

Bà Beryl Domingo đang làm việc tại Quabbin Mediation nhận định: “Khi bạn không làm gì, kẻ gây hại cho rằng bạn đồng ý với hành động của họ.”

“Nếu chúng ta không phản đối họ, họ sẽ tiếp tục làm những gì họ đã làm và ảnh hưởng đến những người khác”, bà nói.

(Theo SCMP, NYT)

Bài mới
Đọc nhiều