Tôi muốn trả lời các nhà báo
Đó là lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở hành lang hội trường Ba Đình. Cứ đến ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, tôi lại nhớ về các vị nguyên thủ quốc gia bình dị chúng tôi được gặp trong đời làm báo của mình.
Tôi có hơn 10 năm theo dõi nghị trường Quốc hội. Tôi từng được gặp cố Tổng bí thư Đỗ Mười, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Cởi mở
“Số zách” trong những vị cởi mở chính là cố Tổng bí thư Đỗ Mười. Có lần, ông đang bị các nhà báo “vây” bên lề họp Quốc hội, tôi chen không được, đành kéo dài cần micro câu từ ngoài vào, đưa gần miệng ông. Ông vẫy tay gọi tôi lại, hỏi: “Cậu là ai?”, tôi lí nhí: “Cháu là phóng viên…”. “Cậu có biết nãy giờ tôi nói gì?”. Tôi thú thật: “Cháu vừa mới tới, chưa kịp nghe bác nói”. Tưởng bị rầy, ai ngờ ông cười khà khà: “Tớ nói về tham nhũng. Về cán bộ phải là đầy tớ của dân. Cậu có hiểu đầy tớ là như thế nào không?”. Tôi im lặng. Ông thuận tay vỗ huỵch luôn vào ngực tôi, đùa: “Đầy tớ là phải sớm hôm vất vả phục vụ dân. Béo như tớ, to cao và vạm vỡ như cậu thì chẳng ra dáng đầy tớ”.
Nói xong, ông cười hỏi tiếp: “Cậu có hay đọc sách không?”. “Dạ, có”. Ông nói về một tên sách của một tác giả phương Tây về tương lai thế kỷ 21. Tôi muối mặt trả lời là chưa đọc. “Giờ là cuối thế kỷ 20, cậu không muốn tìm hiểu thế kỷ 21 sẽ ra sao à?”. Tôi phân bua: “Sách đắt quá…”. Nghe tôi nói, ông lắng xuống: “Ừ nhỉ, sách tớ hầu hết người ta tặng…”.
Không né tránh
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thân thiện, trả lời phỏng vấn rất chính khách, ăn mặc đẹp, tươi tắn, khoan thai, không yêu cầu gửi câu hỏi trước, không dùng bản soạn thảo sẵn.
Khi ông khởi xướng xây dựng đường dây 500kV Bắc – Nam, có ý kiến nghi ngờ hiệu quả, ông liền gặp các nhà báo, giải thích những điểm cần thiết.
Lúc Quốc hội thảo luận dự án đường Hồ Chí Minh, gặp “lời qua, tiếng lại”, tới giờ giải lao ông bước ra hành lang hội trường Ba Đình với tư thế “tôi muốn trả lời các nhà báo”. Và chúng tôi có bài “Đường Trường Sơn công nghiệp hóa”. Hôm sau gặp tôi, ông vỗ vai: “Được đấy!”.
Tôn trọng
Đời làm báo, tôi thích làm phỏng vấn cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông trả lời gãy gọn, từ “một là…” đến “năm là…” hay “sáu là…” đều không hề nhầm lẫn. Thực hiện xong phỏng vấn, chỉ cần rã băng và chép lại là có ngay một bài báo hệ thống, dễ hiểu.
Ông luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, nếu có việc đột xuất, ông cho thư ký báo lại.
Chúng tôi có mấy lần được ông hẹn làm việc tại nhà riêng. Bước giáp cổng là cảnh vệ biết liền: “Các anh vào đi, chú Sáu đang chờ”.
Có hôm, chúng tôi đến đúng lúc ông vừa ăn cơm chiều xong. Thấy trên bàn ăn chưa dọn có mấy cọng rau, đậu hũ và đĩa cá kho dư lại. Ông nói: “Không phải mình biết các cậu tới mà làm bữa đạm bạc trước mặt nhà báo. Chẳng qua già rồi, thịt thà kham không nổi, ăn thứ này dễ tiêu”.
Hồi còn làm phó thủ tướng, ông leo bộ tận lầu 5 nhà khách Chính phủ ở Hà Nội để gặp mấy nhà báo phía Nam ra. Bọn tôi áy náy, ông gạt đi: “Không sao, đi tí cho khỏe. Ở đây, các cậu đâu có xe đến chỗ mình. Với lại ra vào nơi ấy phức tạp, giấy tờ rắc rối”.
“Đừng tưởng núi là cao”, những lãnh đạo cao cấp ấy hết sức bình dị thôi. Sự cởi mở của các bác tiếp thêm lửa nghề cho chúng tôi.
“Các cậu chờ đây nhé!”
Tôi và anh bạn đồng nghiệp tình cờ gặp ông Lê Khả Phiêu bên hành lang hội trường Ba Đình, khi phiên họp Quốc hội buổi chiều vừa tan. Thời điểm ấy, ông còn làm thường trực Ban Bí thư, chưa phải tổng bí thư. Biết chúng tôi là nhà báo, ông hỏi:
– Sao các cậu đứng đây?
Chúng tôi đáp:
– Bọn cháu chờ Thủ tướng Võ Văn Kiệt để phỏng vấn.
– Thế có hẹn trước không?
Chúng tôi trả lời “có”. Ông liền bảo:
– Anh Sáu Dân (tức ông Võ Văn Kiệt) đang nói chuyện với anh Đỗ Mười. Hăng say lắm, chờ không nổi đâu.
Chúng tôi giãi bày:
– Tối nay chúng cháu phải về TP.HCM rồi, ráng đợi xem sao.
Lưỡng lự một chút, ông dặn: “Các cậu chờ đây nhé. Để tôi gọi anh Sáu Dân cho”. Ông quay lại phía cửa hội trường, gọi vọng vào: “Anh Sáu ơi, có mấy cậu nhà báo đang chờ, ra gặp để các cậu ấy còn về TP.HCM”. Ông vẫy tay chào chúng tôi trước khi đi.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện sau đó ít phút nhờ sự giúp đỡ của ông – người “trên vạn người, dưới một người”. Đó là điều đời làm báo chúng tôi không thể quên.
LÊ THANH TÂM