+
Aa
-
like
comment

Tội khi quân, phạm thượng ở Thái Lan: Án phạt cực kỳ nghiêm khắc, tới “ái phi” cũng không dám vô lễ

23/10/2019 13:00

Luật xét xử lese-majeste (tội khi quân) ở Thái Lan là một trong những điều luật nghiêm khắc nhất trên thế giới.

Tội khi quân, phạm thượng ở Thái Lan: Án phạt cực kỳ nghiêm khắc, tới "ái phi" cũng không dám vô lễ với Vua
Tội khi quân, phạm thượng ở Thái Lan: Án phạt cực kỳ nghiêm khắc, tới “ái phi” cũng không dám vô lễ với Vua

Luật này đã ngày càng được thắt chặt kể từ vụ đảo chính năm 2014 ở Thái Lan, khiến nhiều người phải ngồi tù vì những cáo buộc khắt khe.

Chính quyền Bangkok cho rằng đây là điều luật cần thiết để bảo vệ hoàng gia, vốn được tôn kính bậc nhất tại quốc gia này.

Chi tiết về lese-majeste

Điều 112 của luật hình sự Thái Lan viết: “Bất kì ai làm tổn hại hình ảnh, lăng mạ, xúc phạm hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người thừa kế hoặc nhiếp chính sẽ đều bị trừng phạt và chịu án tù từ 3 tới 15 năm”.

Luật này hầu như không thay đổi kể từ năm 1908. Tuy nhiên, hình phạt đã được tăng nặng từ năm 1976.

Từ năm 1990 tới năm 2005, chỉ có 4-5 vụ xét xử tội khi quân tại tòa án Thái Lan hàng năm. Nhưng từ tháng 1/2006 tới tháng 5/2011, có hơn 400 vụ đã được tòa tiếp nhận, tăng gấp 15 lần.

Năm 2013, Tòa án Tối cao Thái Lan tuyên bố Điều 112 sẽ áp dụng đối với nhà Vua đương vị và cả các vị Vua trong lịch sử. Tuy nhiên, một số học giả tỏ ra hoài nghi bởi không rõ liệu liệu có áp dụng đối với một số triều đại ở Thái Lan cách đây từ 200 tới 800 năm hay không.

Tội khi quân cũng xuất hiện trong mọi bản hiến pháp gần đây của Thái Lan. Cụ thể: “Nhà Vua sẽ nhận được ngôi vị đáng tôn kính và không thể bị xâm phạm. Không ai được phép cáo buộc hoặc có hành vi bất kính với nhà Vua”.

Tội khi quân, phạm thượng ở Thái Lan: Án phạt cực kỳ nghiêm khắc, tới ái phi cũng không dám vô lễ với Vua - Ảnh 1.
Vua Thái Lan thực hiện nghi lễ. Ảnh: AP

Tuy nhiên, không có định nghĩa rõ ràng về định nghĩa “xúc phạm hoàng gia”. Hay nói cách khác, có rất nhiều cách để hiểu lese-majeste và tòa án có thể tận dụng nhiều phương pháp để kết án dựa trên tội danh này.

Ngoài ra, bất kì ai cũng có thể cáo buộc tội lese-majeste đối với bất kì người nào khác. Mọi cáo buộc sẽ được điều tra chính thức bởi cảnh sát. Những người bị tạm giữ có thể bị từ chối tại ngoại và một số người bị giam giữ một khoảng thời gian dài trước buổi xét xử sơ thẩm.

Một số nguồn tin cho biết các cuộc xét xử tội lese-majeste đều không được công khai, chủ yếu diễn ra tại tòa án quân sự. Bên cạnh đó, hình phạt có thể được cộng dồn với mỗi cáo buộc, tức là một người có thể bị kết án tội lese-majeste nhiều lần và phải ngồi tù một khoảng thời gian rất dài.

Rất nhiều người đã bị kết án vì tội khi quân, từ một ông lão nhắn tin xúc phạm hoàng hậu, tới một người quốc tịch Thụy Sĩ phun sơn lên tấm poster của Nhà Vua. Một phụ nữ mặc đồ đen trong lễ sinh nhật của Vua Bhumibol Adulyadej vào năm 2014 phải ra tòa, một người quốc tịch Mỹ tên Joe Gordon bị bắt giữ vì dịch một phần trong cuốn sách viết về nhà vua và đăng lên mạng. Năm 2015, một nhà in Thái Lan đã không xuất bản ấn phẩm phiên bản Thái Lan của New York Times vì có nội dung viết về tương lai của hoàng gia.

Người dùng mạng xã hội cũng bị bắt giữ vì tội khi quân. Nhiều tài khoản Facebook đã bị thẩm vấn vì mỉa mai chú chó ưa thích của Vua Bhumibol hoặc ấn nút “like” vào các bài đăng có nội dung xúc phạm hoàng gia.

Tội khi quân, phạm thượng ở Thái Lan: Án phạt cực kỳ nghiêm khắc, tới ái phi cũng không dám vô lễ với Vua - Ảnh 2.
Cha mẹ của cựu vương phi Srirasmi tại tòa án hình sự ở Bangkok. Ảnh: EPA

 

Tháng 5/2017, Facebook thậm chí bị chặn ở Thái Lan vì không thể ngăn các nội dung bất hợp pháp, bao gồm các bài viết vi phạm luật lese-majeste. Tuy nhiên sau đó chính quyền đã dỡ lệnh cấm.

Tháng 6/2017, một người đàn ông 33 tuổi, họ Wichai, bị tuyên án 70 năm tù vì tội khi quân. Bị cáo đã đăng 10 bức ảnh, video và bình luận lên Facebook để chỉ trích hoàng gia Thái Lan. Tuy nhiên sau đó án phạt đã được giảm 1 nửa (còn 35 năm) khi người này nhận tội.

Nghiêm trọng hơn cả, người có mối quan hệ với hoàng gia Thái Lan cũng bị xét xử như dân thường. Năm 2015, cha mẹ của cựu vương phi Srirasmi – vợ thứ ba của Thái tử Maha Vajiralongkorn – đã bị kết án 2,5 năm tù vì tội khi quân dù tuổi đời khi đó đã cao (ông Apiruj Suwade 72 tuổi và bà Wanthanee 66 tuổi).

Ngoài ra, ít nhất 8 người trong gia đình của cựu vương phi Srirasmi cũng bị kết án và giam giữ vì tội khi quân, trong đó có cha mẹ bà, chị gái, anh rể, 2 em trai, và 1 cháu trai. Pongpat Chaiyapan, chú của cựu vương phi Srirasmi bị buộc tội tham nhũng, tống tiền, buôn lậu và khi quân.

Tại sao Thái Lan có luật này?

Hoàng gia đóng vai trò trung tâm trong xã hội Thái Lan. Vua Bhumibol Adulyadej, người qua đời tháng 10/2016 sau 7 thập kỉ trị vì, rất được tôn kính và đôi khi được coi là một “vị thần” tại Thái Lan. Sau khi kế vị cha, Thái tử Maha Vajiralongkorn cũng nhận được sự đối xử tương tự từ người dân Thái Lan.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng nhấn mạnh rõ ràng rằng luật lese-majeste là cần thiết để bảo vệ hoàng tộc.

Cũng vì điều luật khắt khe này, các lần ly hôn của Vua Thái Lan đều diễn ra rất bí mật. Các thông tin được giữ kín và vợ cũ của Vua Thái Lan đều chưa từng lên tiếng chia sẻ về cuộc sống tại hoàng gia cũng như nguyên nhân chia rẽ.

Mới đây nhất, Hoàng phi Thái Lan đầu tiên trong 100 năm trở lại đây đã bị Vua Thái Lan phế truất. Tới nay, ngoại trừ thông tin được đăng chính thức trên website của Hoàng gia Thái Lan, không có bất kì thông tin nào khác được truyền thông và người dân nước này chia sẻ.

Tất Đạt /Soha News

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều