Tội danh ‘đại gia điếu cày’ Lê Thanh Thản bị khởi tố có gì lạ?
Tội lừa đảo có thể xảy ra với chủ thể bất kỳ, nhưng tội lừa dối khách hàng chỉ xảy ra đối với người bán hàng hóa.
Chiều 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mường Thanh, để điều tra hành vi Lừa dối khách hàng, quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.
Mức án cao nhất 5 năm tù
Ông Thản bị cáo buộc liên quan những sai phạm tại các dự án xây dựng mà Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Người được gọi là “đại gia điếu cày” bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) cho biết theo Điều 198, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác mà thu lợi bất chính từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Nếu lừa dối khách hàng một cách có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Ông Cường phân tích để quy kết bị can Lê Thanh Thản về tội Lừa dối khách hàng, cơ quan điều tra và VKS cần thu thập chứng cứ chứng minh ông Thản đã gian dối với những người mua sản phẩm của doanh nghiệp do ông này làm chủ tịch. Sau đó chứng minh bị can đã chiếm đoạt, hưởng lợi từ 5 triệu đồng trở lên.
Cơ quan tố tụng cũng cần làm rõ những khách hàng nào đã bị ông Thản thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu, thu lợi bất chính bao nhiêu?
Theo luật sư, việc khởi tố hình sự đối với ông Lê Thanh Thản không bất ngờ với nhiều người. Bởi lẽ, những sai phạm của doanh nghiệp do ông Thản làm chủ từng nhiều lần được cơ quan công an và các cơ quan chức năng thông tin rộng rãi.
Ông Cường cũng cho rằng đây mới là bước khởi đầu của giai đoạn điều tra. Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra có thể khởi tố thêm các đồng phạm, nếu có căn cứ cho thấy có người đã giúp sức, xúi giục bị can thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra, cơ quan điều tra có thể khởi tố bổ sung tội danh hoặc thay đổi các tội danh đã khởi tố đảm bảo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.
Phân biệt với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nói về sự khác nhau giữa tội Lừa đối khách hàng và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiến sĩ – luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích hành vi lừa dối khách hàng được hiểu là việc bán, giao dịch hàng hóa kém chất lượng.
Gian dối nghĩa là bán sản phẩm cho người mua nhưng không đúng cam kết, trái thỏa thuận về cân, đo, đong, đếm gây thiệt hại cho khách hàng.
Tuy nhiên, những khách hàng đó phải ở dạng phổ biến, không phải duy nhất một người và giao dịch đã hoàn thành giữa 2 bên, đã ký kết hợp đồng theo mẫu.
Luật sư Thiệp nhấn mạnh về nguyên tắc, tội Lừa dối khách hàng cần có người tố cáo và phải thu thập hợp đồng theo mẫu mà 2 bên đã ký kết.
Còn lừa đảo là hành vi dùng thủ đoạn để đánh lừa khiến người khác tin là thật nhằm chiếm đoạt tài sản của người đó.
Tội lừa đảo có thể xảy ra với chủ thể bất kỳ nào, nhưng tội Lừa dối khách hàng chỉ xảy ra đối với người bán hàng hóa.
(Theo Zing News)