+
Aa
-
like
comment

Tôi có được nhận hỗ trợ không, tôi phải gặp ai, làm gì, sẽ nhận được tiền lúc nào và như thế nào?

13/07/2021 08:48

Tôi có được nhận hỗ trợ không, tôi phải gặp ai, làm gì, sẽ nhận được tiền lúc nào và như thế nào? Đồng nghiệp của tôi, sau ba ngày đi phát cơm từ thiện tại Sài Gòn, đã tổng hợp lại các câu hỏi quan trọng nhất mà cô khảo sát bỏ túi với người khó khăn.

Trao tiền hỗ trợ gói Covid-19 đến tận tay người lao động tự do trên địa bàn Q.Phú Nhuận (TP.HCM)

Tôi bảo, tất cả những câu hỏi này có thể trả lời ngắn gọn qua một app hay một fanpage riêng chuyên về cứu trợ trong dịch Covid-19 của bộ, ngành hay của riêng TP HCM. Việc lập fanpage chỉ mất vài tiếng đồng hồ, xây dựng app có thể lâu hơn nhưng nhiều lợi ích.

Xây dựng một nền tảng trực tuyến riêng cho gói hỗ trợ Covid là điều không khó. Trên đó, ngoài hướng dẫn chung, một bảng hỏi – đáp chi tiết, ngắn gọn, dễ hiểu, giải đáp những câu hỏi thường gặp về tiêu chí và cách thức nhận hỗ trợ sẽ rất hữu ích với người nghèo lúc này. Tất nhiên, kèm theo là chi tiết về đầu mối liên lạc, đường dây nóng tiếp nhận thông tin ở cấp trung ương và địa phương.

Các nền tảng trực tuyến “nhanh” còn giúp giải đáp cho người dân tức thì. Trong trường hợp không liên lạc qua điện thoại được với cán bộ chính sách – thực tế là không dễ, nhất là ngoài giờ hành chính – người dân hoàn toàn có thể “giao tiếp” online với chính quyền.

Gói cứu trợ 62 nghìn tỷ đã không thành công. Gói cứu trợ mới 26 ngàn tỷ đồng, để hiệu quả, phải làm khác đi. Để trả lời câu hỏi khác ở đâu, ta phải đặt mình vào vị trí người thụ hưởng.

Nhiều người nghèo chưa có tài khoản ngân hàng nên phương án chuyển khoản sẽ chỉ khả thi với một bộ phận. Song, nhiều người trong số họ có điện thoại và điện thoại thông minh. Các phương tiện này giúp họ dễ dàng tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, app và đặc biệt là ứng dụng chuyển tiền qua điện thoại di động – mobile banking hoặc mobile money.

Kê khai thông tin qua các kênh online trên, thậm chí qua tin nhắn điện thoại, họ có thể mau chóng gửi dữ liệu tới chính quyền nơi cư trú. Chính quyền dễ dàng tổng hợp và kiểm chứng thông tin, sau đó chuyển khoản, phát tiền mặt hoặc phiếu mua hàng cho từng người.

Những phương thức này đều khả thi, nhanh chóng, tiện lợi và rẻ. Mobile money đã phổ biến ở 95 quốc gia, với hơn hai tỷ USD giao dịch mỗi ngày. Cách thức này đã thành công ở các nước châu Phi và châu Á trong tài chính vi mô cho người nghèo.

Với Việt Nam, nếu chính quyền chuyển tiền qua quầy giao dịch của ngân hàng sẽ phải trả phí giao dịch tối thiểu là 25.000 đồng cho một món. Nhưng chuyển qua ứng dụng mobile banking chỉ mất 1.000 đồng; qua mobile money có thể rẻ hơn. Điều kiện của người nhận là chỉ cần có một thuê bao điện thoại đang kích hoạt cùng thông tin đã kê khai online trước đó.

Quan trọng hơn, các hình thức chuyển tiền online giảm thiểu lây lan dịch bệnh, tiết giảm thời gian, đảm bảo công khai, minh bạch và cũng thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Chưa kể, phương án này cho phép chính phủ có được cơ sở dữ liệu cá nhân cơ bản để xây dựng chính sách hoặc cung ứng các dịch vụ công khác.

Bên cạnh đó, với nhu cầu khẩn cấp của nhóm yếu thế nhất – những người không có điện thoại và vô gia cư, để nhanh nhất, chúng ta có thể phát tiền trực tiếp như phát cơm từ thiện, với điều kiện đảm bảo 5K chống dịch.

Cách này có thể có trục trặc hay sai sót nhỏ, như chuyển nhầm một số khoản, nhưng không phải không thể khắc phục.

Đầu tiên, tôi cho rằng phát nhầm vài khoản còn hơn bỏ sót. Một chính sách mới khó có thể cầu toàn và chính xác tuyệt đối, nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua lợi ích toàn cục lớn hơn. Đó là mục tiêu an dân và chống dịch. Chấp nhận tỷ lệ sai sót nhất định (ngoại trừ yếu tố chủ quan, cố tình trục lợi) cũng là cách tiếp cận mà các nước như Mỹ và châu Âu đã phát tiền trực tiếp cho dân năm ngoái.

Trong một dự án chúng tôi nghiên cứu, chương trình tín dụng ưu đãi người nghèo của Việt Nam suốt 10 năm (2011-2020) không thể tránh khỏi một vài trường hợp cho vay chệch đối tượng nghèo, một vài người do cố ý làm sai đã bị xử lý. Nhưng, trên bình diện cả nước, quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ gần 90 ngàn tỷ đồng năm 2010 lên 225 ngàn tỷ đồng cuối năm 2020. Gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đã được tiếp cận vốn vay rẻ, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và thay đổi bộ mặt nông thôn.

Lâu nay, hầu hết giao dịch tài chính giữa người dân với nhà nước vẫn dùng tiền mặt: đóng thuế, nộp lệ phí trước bạ, nhận lương hưu định kỳ hay nhiều giao dịch khác… cơ quan nhà nước tốn kém chi phí cho nhân viên kiểm đếm, bảo quản, cung ứng dịch vụ kho quỹ tiền mặt. Người nộp tiền mất thời gian và công sức.

Ví dụ, đã gần chục năm nay, hàng tháng, bố mẹ vợ tôi vẫn phải đi ra phường ký giấy tờ để nhận lương hưu. Mỗi người vài triệu, lương hưu được phát bằng tiền mặt. Có khi đi thăm con cháu ở tỉnh khác, hàng tháng các cụ vẫn phải quay về quê để lĩnh lương hưu, vì nếu ủy quyền cũng khá phức tạp.

Người nghèo đang chờ đợi tiền cứu trợ. Tôi mong rằng sự nỗ lực như phát biểu của một số ban ngành sẽ thành hiện thực trong tuần này. Chính sách do con người đẻ ra, thực thi chính sách và bất cập cũng do con người, vấn đề là chúng ta có đặt mình vào vị trí người nghèo hay không mà thôi.

Cấn Văn Lực

Bài mới
Đọc nhiều