+
Aa
-
like
comment

‘Tôi chịu trách nhiệm nếu nhà máy thép xả thải ra biển’

Phạm Linh - 31/05/2023 05:10

Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Định cam kết dự án thép không tác động xấu môi trường địa phương, sau này nhà máy có nước thải đổ ra biển ông sẽ chịu trách nhiệm.

Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng nói tại buổi gặp mặt người dân thôn Lộ Diêu

Nội dung được Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nói tại buổi gặp gỡ hơn 500 hộ dân thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, để thông tin về chủ trương thực hiện dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn, ngày 30/5. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Tỉnh ủy gặp gỡ người dân nằm trong khu vực dự án.

Trước đó, năm 2022 tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương đầu tư dự án thép 53.500 tỷ đồng, công suất 5,4 triệu tấn một năm ở thôn Lộ Diêu. Địa phương đã gửi ý kiến cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư cảng chuyên dùng cho khu liên hiệp gang thép. Dự án được tính toán đem lại nhiều việc làm, nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh, song cũng gây lo lắng sẽ tác động xấu môi trường và an sinh địa phương.

Theo một số người dân, trước đây thôn Lộ Diêu chỉ có 120 hộ dân, đến nay phát triển lên hơn 500 hộ. Sau năm 1975, nơi đây từng là vùng trũng của tỉnh, giờ đây trở thành khu vực dân cư khá trù phú, đường xá rộng rãi, kinh tế địa phương đi lên… Một số người đặt câu hỏi tại sao tỉnh không phát triển du lịch để phát huy lợi thế bờ biển dài, đẹp ở Lộ Diêu mà lại làm dự án thép.

Ông Trần Văn Nghĩa, 68 tuổi, cho biết người dân Lộ Diêu đã có 60 thuyền đánh cá xa bờ và nhiều thuyền nhỏ, ruộng đất cũng nhiều. “Thời kháng chiến chống Mỹ, người dân bị giặc dồn ép dời đi nhưng vẫn bám đất bám làng, nên giờ chúng tôi không đi đâu hết”, ông này nói.

Ông Trần Văn Nghĩa nói về tác động của dự án nhà máy thép Long Sơn.

Bí thư Hồ Quốc Dũng nói là người sinh ra ở vùng quê Bình Định, ông rất chia sẻ với tâm tư của bà con và những hy sinh của họ khi phải chuyển sang nơi khác. “Mỗi khi triển khai cái mới sẽ có phản ứng, nhưng chúng ta phải chắt chiu cơ hội phát triển cho tỉnh nhà”, ông bày tỏ.

Ông Dũng cho rằng nếu người dân tiếp tục dựa vào ruộng đồng và đánh bắt “nay có mai không”, địa phương rất khó phát triển. Hiện, du lịch ở tỉnh đã tạo một số công ăn việc làm nhưng đóng góp không đáng kể vào ngân sách. Trong khi đó thu ngân sách của tỉnh năm rồi đạt hơn 16.500 tỷ đồng, mới đáp ứng 40% chi cho địa phương, còn lại phải xin Trung ương. “Tỉnh chỉ có con đường phát triển du lịch, nông nghiệp và đột phá nhất là ngành công nghiệp”, ông Dũng nói.

Theo Bí thư Bình Định, công nghệ luyện thép của Long Sơn hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường. “Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Dự án sẽ bị dừng khi ảnh hưởng môi trường”, ông nói và cho biết khói bụi của nhà máy cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác.

Theo tính toán của tỉnh, dự án thép sẽ tạo việc làm cho hơn 7.500 người, trong đó giai đoạn đầu thi công nộp ngân sách gần 5.000 tỷ đồng. Khi đi vào sản xuất toàn bộ dự án sẽ nộp ngân sách gần 10.400 tỷ đồng, đóng góp tổng sản phẩm địa phương khoảng hơn 20.500 tỷ đồng. Đổi lại dự án khi triển khai, khoảng 566 hộ dân ở thôn Lộ Diêu phải di dời.

Chủ tịch UBND Bình Định Phạm Anh Tuấn cho rằng nhà máy thép sẽ góp phần phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, cảng biển, giúp tăng trưởng kinh tế. “Tỉnh muốn phát triển cần dự án đầu tàu và đây là một dự án như vậy”, ông Tuấn nói.

Người đứng đầu chính quyền Bình Định cho biết tỉnh xác định dự án phải đảm bảo công nghệ tiên tiến và tiêu chuẩn môi trường. Người dân phải được tái định cư ở nơi tốt hơn, đồng thời không xâm hại di tích, danh thắng. Nếu các điều kiện này không đảm bảo, dự án sẽ không được tỉnh thông qua để trình Trung ương.

“Tỉnh cùng nhà đầu tư tổ chức cho bà con thăm quan các dự án tương tự như Formosa tại Hà Tĩnh để tiếp tục có ý kiến và tỉnh sẽ điều chỉnh”, ông Tuấn nói.

Phạm Linh

Bài mới
Đọc nhiều