+
Aa
-
like
comment

‘Tôi chịu sức ép khi làm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia’

01/01/2020 12:18

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong nói bị nhiều người dè bỉu khi thẩm tra dự luật, có người còn bảo ông “khùng điên”.

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Là người chủ trì thẩm tra dự luật, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, trả lời PV về những vấn đề liên quan.

– Luật Phòng chống tác hại của rượu bia bắt đầu có hiệu lực, ông tâm đắc với  quy định nào nhất?

– Tôi tâm đắc nhất quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Đây là thông điệp quyết liệt, được lấy ý kiến nhiều lần. Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016). Theo đó, người uống rượu bia mà đi xe đạp cũng bị phạt tới 600.000 đồng, điều khiển ôtô thì mức phạt đến 40 triệu đồng, xe máy tới 8 triệu đồng. Giải pháp này đánh vào kinh tế, giúp người dân thay đổi dần nhận thức, hành vi.

Thời gian qua, rượu bia là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế, xã hội, làm biết bao gia đình tan nát. Không chỉ thế, Việt Nam còn là nước sử dụng rượu bia nhiều nhất Đông Nam Á, thứ ba châu Á, thuộc top dẫn đầu thế giới, nhưng thứ hạng về đọc sách lại kém nhất. Điều này rất đau xót.

Động lực phát triển ở đâu, năng suất lao động sẽ như thế nào, xã hội sẽ đi về đâu khi lớp trẻ dính vào rượu bia và các chất kích thích ngày càng nhiều? Cấm lái xe khi đã uống rượu bia sẽ làm nhu cầu rượu bia giảm, từ đó giảm nguồn cung, giúp chúng ta khắc phục được những hậu quả nói trên.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội.

– Không chỉ cấm lái xe khi có nồng độ cồn trong người, luật còn quy định rất chi tiết 10 điều cấm khác, trong đó có cấm xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia. Làm thế nào để nhận diện và xử phạt các hành vi này?

– Nội dung này được đưa ngay vào khoản 1 của điều quy định các hành vi cấm vì thời gian qua tình trạng này ở Việt Nam xảy ra nhiều quá. Đi nhậu cứ ép nhau, xúi nhau, người ta không uống nữa thì khích tướng để uống với lời lẽ như không uống thì hèn, nam vô tửu như cờ vô phong, không có bản lĩnh đàn ông… Nhận diện và xử phạt những hành vi này không khó. Ví như có người tố ông Phong ép uống rượu, cơ quan nhận được đơn tố cáo, xác minh có thật thì tôi sẽ bị kỷ luật.

Hoặc ai đó lỡ ép bạn bè uống say, đi về người ta gặp tai nạn giao thông, mất mạng thì gia đình họ sẽ tố ngay. Cơ quan chức năng điều tra đúng như vậy thì anh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu việc ép buộc uống rượu bia xảy ra tại quán bia, chủ quán hoặc những người chứng kiến có thể báo cơ quan chức năng để người có thẩm quyền đến lập biên bản, xử phạt hành chính. Như vậy có gì mà không khả thi.

Có thể ban đầu người Việt Nam duy tình, không tố bị ép, nhưng quy định cũng là cách để gửi thông điệp đến tất cả mọi người, ai uống được bao nhiêu thì uống, đừng ép buộc, lôi kéo người khác uống rượu bia. Tôi cho rằng cứ từng chút từng chút tác động, người dân sẽ thấu hiểu.

– “Đã uống rượu bia thì không lái xe” là xương sống của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, nhưng ngay từ đầu lại không được đại biểu Quốc hội đồng tình. Ông và cộng sự đã làm gì để thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật?

– Ngay từ đầu nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Kiến nghị của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới khác với Hiệp hội doanh nghiệp rượu bia, xuất phát từ lợi ích của hai bên. Chủ trì những cuộc hội thảo lấy ý kiến, tôi rất mệt mỏi. Chuyên gia sức khỏe thì kiên quyết cấm, nhưng chuyên gia đứng về phía doanh nghiệp thì phản đối. Họ cãi nhau quyết liệt và chúng tôi phải dung hòa.

Tuy nhiên, ý kiến chuyên gia chỉ tham khảo, đại biểu Quốc hội mới quyết định. Khi nội dung này được đưa ra xin ý kiến đại biểu trước ngày biểu quyết thông qua dự luật không quá bán. Chúng tôi rất lo, không khéo chỉ vì điều này mà vỡ cả luật. Nếu rút ra, để quy định bình thường như Luật An toàn giao thông thì tính hiệu triệu và giá trị sẽ không cao.

Chúng tôi băn khoăn, tại sao thông điệp tiến bộ như vậy lại không được ủng hộ? Tất cả cùng ngồi lại phân tích cặn kẽ, làm báo cáo giải trình hợp lý hợp tình. Quy định cấm uống rượu bia khi lái xe vì thế vẫn xuất hiện trong dự thảo luật trình Quốc hội thông qua và Thường vụ Quốc hội phải “tha thiết” mong đại biểu đồng ý bổ sung vào. Thậm chí, người điều hành phiên làm việc còn phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần mong muốn đó.

Điều đáng mừng là sau từ “tha thiết” của chúng tôi, đại biểu Quốc hội đã ủng hộ cao. Nội dung trên được bổ sung vào dự thảo luật và được thông qua. Thành công này khiến ai cũng bất ngờ.

– Cảm xúc của ông thế nào khi luật đã có hiệu lực?

– Nói thật tới giờ phút này chính tôi còn bị sức ép ghê gớm. Nhiều người qua điện thoại vẫn nói kháy, nói mỉa như “mấy ông làm luật như điên, cấm sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông thì Tết này về ông đi bộ mà đi chơi”, hay “làm cái luật khùng điên như thế mà cũng làm được”. Có nhiều người bạn ở các câu lạc bộ mà tôi sinh hoạt còn nói “ông nào làm luật này điên khùng thế”.

Tôi hỏi họ quy định này tốt hay xấu cho xã hội? Nhậu rồi tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, bệnh hoạn, kinh tế gia đình hao tổn. Có cán bộ công chức trước đây buổi trưa đi ăn lén uống mấy cốc bia thì chiều đóng cửa trốn không làm việc. Tại sao các ông thấy cái tốt không ủng hộ lại còn nói này nói nọ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong nói bị nhiều người dè bỉu khi thẩm tra dự luật, có người còn bảo ông “khùng điên”.

– Bản thân ông thấy mình bị ảnh hưởng như thế nào từ những quy định đã uống rượu bia không lái xe?

– Tôi có sử dụng rượu bia, làm sao mà tránh khỏi khi tham gia đám cưới, đám giỗ. Bạn bè tôi ở trong quê ra Hà Nội mời cơm, gặp nhau cũng thường mời nhau vài cốc bia. Trong cuộc sống hàng ngày, như sinh nhật, hay khi có niềm vui, nỗi buồn, tôi cũng gọi bạn bè làm vài cốc bia chia sẻ.

Trước đây tôi chạy xe máy đi uống, sau đó tự chạy về. Nhưng từ hôm nay, tôi không làm việc đó nữa. Nếu có đi, tôi sẽ gọi taxi, hoặc tìm chỗ gần nhà, làm vài cốc rồi đi bộ về, từ chối những cuộc nhậu không cần thiết. Tôi không uống rượu bia quá sức mình và không bao giờ lạm dụng rượu bia. Quy định này không chỉ giúp tôi mà nhiều người khác cũng sẽ có thói quen như vậy.

– Với nhiều quy định mới mang tính đột phá, ông kỳ vọng luật sẽ mang lại hiệu quả như thế nào?

– Tôi tin rằng luật sẽ thay đổi nhận thức, hành vi của người Việt Nam trong vấn đề sử dụng rượu bia. Nhiều khi sử dụng một chút thì có lợi, lạm dụng lại có hại. Luật có hiệu lực, bài toán an toàn cho cộng đồng, bài toán liên quan tới kinh tế, tính mệnh và sức khỏe con người được đảm bảo tốt hơn, giảm đi những đau đớn cho các gia đình có người thương tật hoặc mất đi do rượu bia.

Hiện nay con tôi đã học xong đại học, tôi hỏi đi chơi bạn bè có uống rượu bia không, nó nói “con không thích uống”. Giới trẻ biến chuyển như vậy là rất đáng mừng. Tôi mong sự thay đổi sẽ diễn ra đồng bộ, những thói quen tốt sẽ được lan tỏa để uống rượu bia trở thành văn hóa chứ không bị lạm dụng.

Hoàng Thùy/VNE

Bài mới
Đọc nhiều