+
Aa
-
like
comment

‘Tôi biết ơn được ở Việt Nam năm 2020, nhưng luôn nhớ người thân ở Mỹ’

31/12/2020 07:15

Nhiều người nước ngoài tại TP.HCM nói rằng năm 2020 ở Việt Nam vẫn “tương đối bình thường”, nhưng họ luôn mong về ngày được gặp lại những người thân cách xa nửa vòng Trái Đất.

“Đại dịch đã tác động đến tôi theo hai hướng”, Natalia Hendrickson, người Mỹ và là sáng lập viên kiêm giám đốc sản xuất của Docosan, chia sẻ. “Tôi chuyển từ Hà Nội đến TP.HCM vào giữa tháng 1, ngay trước khi dịch bệnh bùng phát”.

Công ty khởi nghiệp Docosan – nơi Hendrickson làm việc – là một doanh nghiệp về chăm sóc sức khỏe. Dịch Covid-19 ở Việt Nam phần nào có lợi cho việc kinh doanh của Docosan, bởi người dân quan tâm đến sức khỏe và chăm sóc bản thân tốt hơn.

“Tình hình không quá tệ, nhưng dịch bệnh cũng không làm mọi thứ dễ dàng hơn”, bà Hendrickson nói. “Trong vài tháng đầu tiên tôi chuyển đến TP.HCM, rất nhiều nơi đã đóng cửa. Do đó, tôi không thể ra ngoài và kết bạn, cũng không thể về Mỹ gặp gia đình”.

Đó là một trong những khó khăn chung mà người nước ngoài sống tại Việt Nam đều gặp phải trong năm vừa qua: không thể thăm gia đình và bạn bè ở quê nhà trong tương lai gần. Kéo theo đó là những đứt gãy trong ngắn hạn với người thân ở xa, đôi lúc là những cuộc chia tay mãi mãi.

Khó khăn nhiều mặt

“Đây là khoảng thời gian lâu nhất tôi chưa về thăm gia đình”, bà Hendrickson nói thêm. “Nhưng vì đã quen với việc xa nhà nên tôi vẫn duy trì thói quen giữ liên lạc với người thân như trước kia. Trong năm nay, ông bà tôi đã 90 tuổi của tôi cũng học được cách trò chuyện qua video. Đó là một trải nghiệm thú vị”.

nam 2020 cua nguoi nuoc ngoai tai TP.HCM anh 1
Natalia Hendrickson. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tương tự, việc không thể trở về thăm gia đình ở quê nhà cũng là một trở ngại đối với Matt Kelly – điều phối viên quốc gia về sáng kiến đổi mới tại Đại học RMIT Việt Nam.

“Tôi về thăm nhà ở Manchester vào dịp Giáng sinh năm ngoái (2019). Tôi cảm thấy may mắn vì đã gặp ông mình. Ông ấy qua đời vì Covid-19 hồi mùa hè”, ông Kelly trải lòng. “Trên lý thuyết, tôi đã có thể trở về Anh, nhưng việc quay lại Việt Nam sẽ rất phức tạp, còn nơi tôi sống (ở Anh) thì lại phong tỏa rất nghiêm ngặt”.

Stephen Isaacs, giảng dạy tại trường quốc tế Renaissance, lại cảm thấy đại dịch có ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình với hai con nhỏ của ông ở Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội vào tháng 3 và tháng 4.

“Phong tỏa tác động tiêu cực đến mọi độ tuổi, với lũ trẻ 2,5 và 5 tuổi thì lại càng không tốt”, người đàn ông đến từ Anh nói. “Chúng thấy chán, không hiểu tại sao không được đi chơi và đến trường gặp bạn bè. Chúng cũng ghét phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, tôi và vợ khá may mắn vì có thể làm việc tại nhà. Do đó, chúng tôi thay phiên nhau trông lũ trẻ”.

nam 2020 cua nguoi nuoc ngoai tai TP.HCM anh 2
Gia đình Stephen Isaacs. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quá trình tìm kiếm chỗ ở cũng là một thử thách. Một số chủ nhà Việt Nam khá e dè trong việc cho người nước ngoài thuê nhà vào thời điểm đó. Nhiều người cũng lo ngại chú chó của bà Hendrickson có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh Covid-19.

Những điểm sáng

Khoảng thời gian cách ly xã hội cũng khiến Kelly bất ngờ. “Bạn gái dọn đến sống với tôi ba ngày trước khi phong tỏa. Đây là một cột mốc quan trọng. Mọi thứ hoặc sẽ tiếp tục diễn ra êm đẹp hoặc sẽ đổ vỡ. Và mọi thứ đã diễn ra êm đẹp”, ông Kelly kể.

Cặp đôi này đã đến thăm Đà Nẵng ngay trước khi một đợt dịch lớn bùng phát tại đây vào cuối tháng 7 và chuyến đi đó đem lại cho họ nhiều kỷ niệm khó quên. “Chúng tôi được xét nghiệm tới ba lần vì đã ở gần một ca mắc Covid-19”, ông Kelly kể.

Kelly cũng nhận thấy rằng khi mọi người đều mắc kẹt lại vì đại dịch, họ buộc phải xích lại gần nhau hơn.

“Giờ đây, tôi có những người bạn từng cùng nhau trải qua nhiều điều”, ông chia sẻ. “Ví dụ, một người bạn của tôi phải cách ly trong khu Masteri hai lần, nên tôi và vài người khác đã đem đồ ăn đến cho anh ấy”.

Trạng thái “bình thường mới” của Việt Nam trong mùa đại dịch cũng là một trải nghiệm chung đối với cộng đồng người nước ngoài.

“Đôi khi tôi nói chuyện với gia đình và cảm giác như chúng ta đang ở một dòng thời gian khác”, bà Hendrickson chia sẻ. “Tôi quên mất là người nhà đang trong trạng thái phong tỏa và không thể đến nhà hàng. Trong khi đó, tôi lại đăng ảnh đi ăn ở ngoài hoặc đến quán bar hay đi du lịch, những điều mà gia đình tôi không thể trải nghiệm trong nhiều tháng”.

“Tôi và gia đình có một nhóm chat trên WhatsApp, nhưng không khí trong đó thật ảm đạm”, ông Kelly kể lại. “Họ đang ở vùng Tây Bắc nước Anh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trong khi tôi đang đi chơi hoặc ở bãi biển, họ lại bị giới hạn nhiều thứ. Tôi không muốn kể quá nhiều về mình hiện tại vì sợ sẽ ‘xát muối’ vào tình hình hiện tại của họ. Nhưng tôi cũng sẵn lòng chia sẻ với gia đình”.

Hướng về tương lai Cả ông Isaacs, Kelly và bà Hendrickson đều chia sẻ rằng họ cảm thấy may mắn khi ở Việt Nam trong thời kỳ đại dịch. Họ cũng biết ơn vì có thể đảm bảo an toàn sức khỏe và cùng lúc duy trì công việc của mình.

Cả ba đều kỳ vọng 2021 sẽ là một năm tốt đẹp và tươi sáng hơn, song vẫn lưỡng lự khi lên kế hoạch cho những việc quan trọng trong tương lai.

“Tôi vẫn mong thế giới có thể trở lại nhịp sống bình thường. Còn ở Việt Nam, tình hình hiện tại cũng không khác trước là bao”, ông Isaacs nói.

nam 2020 cua nguoi nuoc ngoai tai TP.HCM anh 3
Matt Kelly. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Tôi tin Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát tình hình. Bởi lẽ, tôi cho rằng Việt Nam chưa bao giờ lơ là phòng dịch”, bà Hendrickson nhận xét. “Hiện tôi chưa lên kế hoạch cụ thể nào về việc di chuyển đi nơi khác trong tương lai gần, có thể là cuối năm sau. Tôi mong Mỹ hành động đủ quyết liệt để tôi có thể gặp lại mọi người ở quê nhà”.

Ông Kelly thì mong có thể đến một số quốc gia cụ thể như Hàn Quốc hay Nhật Bản vào một thời điểm nào đó trong tương lai: “Tôi bắt đầu thấy hơi tù túng, dù gần cả năm qua vẫn ổn. Nếu không thể du lịch ngoài Việt Nam trong khoảng tháng 3 – tháng 6, mọi thứ sẽ dần trở nên khó chịu. Nhưng tình hình cũng rất khó lường nên chưa thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra”.

Dù vậy, Kelly cũng không phàn nàn về tình hình hiện tại. Ông chia sẻ: “Đại dịch đã mở ra cơ hội giúp tôi có thời gian để trau dồi. Chẳng hạn, tôi đã học lập trình – một điều tưởng chừng tôi sẽ không bao giờ hứng thú. Tôi cũng bắt đầu đàn và viết lách trở lại. Nhịp sống chậm cũng giúp ta suy nghĩ về mọi thứ nhiều hơn đôi chút. Nhìn chung, đây không phải một trải nghiệm tồi, quả thực là một điều kỳ lạ”.

Michael Tatarski

Chuyển ngữ: Đại Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều