Tối 21/6: Thêm 133 bệnh nhân Covid-19, 70 ca ở TP.HCM
Theo bản tin tối 21/6 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 133 người mắc Covid-19 trong nước. Trong đó, 130 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã phong tỏa.
Cụ thể, 133 ca mắc mới trong nước được ghi nhận tại TP.HCM (70), Bắc Giang (30), Bình Dương (21), Bắc Ninh (6), Đà Nẵng (4), Hưng Yên (2).
Tại TP.HCM: 49 ca là F1 đã được cách ly, 14 trường hợp liên quan Công ty Trung Sơn, khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, 7 người còn lại liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Tại Bắc Giang: 30 ca mắc mới được phát hiện trong khu cách ly và khu vực đã phong tỏa, liên quan công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.
Tại Bình Dương: 18 ca liên quan ổ dịch Công ty House Wares (TP Thuận An), hai trường hợp từ ổ dịch chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), người còn lại đang tiếp tục được điều tra dịch tễ.
Tại Bắc Ninh: một trường hợp là F1 đã được cách ly, 3 ca liên quan ổ dịch khu công nghiệp Quế Võ, 2 người từ ổ dịch khu công nghiệp Khắc Niệm.
Tại Đà Nẵng: 4 ca mắc mới là F1, đã được cách ly từ trước. Họ có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV ngày 20/6.
Tại Hưng Yên: 2 trường hợp này đang được điều tra dịch tễ. Họ có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV ngày 21/6 và đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố thêm 2 ca mắc được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang và An Giang.
Như vậy, sau 3 bản tin của Bộ Y tế, ngày 21/6, Việt Nam ghi nhận thêm 272 ca mắc mới tại gồm 5 ca nhập cảnh và 267 ca trong nước tại TP.HCM (166), Bắc Giang (51), Bình Dương (21), Bắc Ninh (13), Nghệ An (5), Đà Nẵng (4), Tiền Giang (2), Hà Tĩnh (2), Hưng Yên (2), Trà Vinh (1).
Tính đến 18h ngày 21/6, Việt Nam có tổng cộng 11.780 ca mắc trong nước và 1.703 bệnh nhân nhập cảnh. Riêng từ ngày 27/4, số ca mắc mới là 10.210 người.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi Covid-19 cho 5.848 bệnh nhân. 66 trường hợp đã tử vong do nhiễm SARS-CoV-2, hầu hết đều mắc nhiều bệnh lý nền.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện biến chủng virus tại Ấn Độ xuất hiện chủ yếu ở các ca mắc tại Việt Nam trong đợt bùng phát dịch này. Cùng thời điểm, chúng ta phát hiện rất nhiều ổ dịch khác nhau. Tất cả yếu tố này khiến vấn đề lây nhiễm trở nên phức tạp hơn.
Về vaccine, từ sáng 19/6, TP.HCM bắt đầu bước vào đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử. Ông Phạm Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mục tiêu của thành phố là có 14 triệu liều vaccine để tiêm cho toàn bộ người dân thành phố. TP.HCM cũng nỗ lực tất cả nguồn lực để tiếp cận vaccine, đảm bảo từ đây đến cuối năm, 2/3 người dân có thể được tiêm vaccine.
Đồng thời, theo thông tin của Bộ Y tế, tiến độ vaccine nội rất khả quan. Hy vọng đến năm 2022, Việt Nam có những lô đầu tiên và người dân Việt Nam sẽ có vaccine nội sử dụng.
Hồng Anh