+
Aa
-
like
comment

Tới 2040 mới nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô

14/12/2020 21:35

Sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô dự kiến đưa vào quy hoạch sân bay cả nước giai đoạn đến năm 2050. Tuy nhiên, sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.

Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo báo cáo cuối kỳ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 đang được Cục Hàng không lấy ý kiến.

Đề xuất nghiên cứu sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa. Ảnh minh họa

Theo Cục Hàng không, hiện nay cả nước có 22 sân bay. Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 236/QĐ-TTg năm 2018 xác định giai đoạn 2020 – 2030 cả nước khai thác 28 sân bay.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định nhu cầu và kết quả dự báo, tư vấn lập quy hoạch đã dựa trên các tiêu chí sự cần thiết đầu tư, mức độ khả thi và đề xuất quy hoạch hệ thống sân bay cả nước theo các thời kỳ như sau:

Đến năm 2030 cả nước có 26 sân bay, bao gồm 14 sân bay quốc tế, 12 sân bay nội địa. Trong đó có 5 sân bay quốc tế cửa ngõ gồm Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành; 9 sân bay quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương; 12 sân bay nội địa: Điện Biên, Sapa, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo.

So với mạng sâng bay cả nước theo quyết định 236, dự thảo quy hoạch lần này giảm số lượng sân bay xây dựng trong giai đoạn đến 2030 từ 28 xuống còn 26 sân bay. Lý do, sân bay Nà Sản (Sơn La), Lai Châu được đề xuất quy hoạch xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.

Định hướng đến năm 2050, số sân bay trong cả nước tăng từ 26 lên 30 gồm 15 sân bay quốc tế, 15 sân bay nội địa. Trong đó có sân bay Nà Sản và Lai Châu được đề xuất xây dựng trong thời gian này; bổ sung 2 sân bay mới vào quy hoạch là sân bay Cao Bằng (1 đường băng, công suất 3 triệu khách và năm 2050) và sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô (2 đường băng, công suất đạt 50 triệu khách năm khi có nhu cầu trong giai đoạn sau năm 2040).

Trước đó, Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội kiến nghị phương án bố trí sân bay thứ hai cho vùng thủ đô Hà Nội với 4 vị trí được đề xuất. Tuy nhiên, theo dự thảo quy hoạch mà Cục Hàng không đang lấy ý kiến, sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.

Dự thảo quy hoạch đặt ra mục tiêu ưu tiên đầu tư các sân bay đến năm 2030 gồm xây dựng sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu khách/năm; từng bước triển khai giai đoạn 2 công suất 50 triệu khách/năm.

Tới 2040 mới nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô - Ảnh 1.
Hai vị trí được xem xét quy hoạch sân bay Cao Bằng – Ảnh: TUẤN PHÙNG chụp lại

Xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất để nâng công suất toàn sân bay lên 50 triệu khách/năm. Mở rộng sân bay Nội Bài bằng giải pháp xây dựng nhà ga T3 và khu bay phía Nam để đạt công suất 60 triệu khách/năm. Mở rộng sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh đạt công suất lên 25 triệu khách/năm.

Ước tính kinh phí đầu tư để thực hiện quy hoạch các sân bay giai đoạn 2020 – 2030 khoảng 365.100 tỉ đồng; giai đoạn 2030 – 2050 khoảng 866.360 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được huy động từ nhiều hình thức đầu tư khác nhau.

Theo Cục Hàng không, trong quá trình lập quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, cục và tư vấn đã rà soát nhiều đề xuất bổ sung vào quy hoạch các sân bay Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Kon Tum, Đắc Nông, An Giang, Ninh Thuận, Bạc Liêu, rà soát vị trí sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô.

Tuy nhiên, qua rà soát, chỉ đề xuất đưa sân bay Cao Bằng vào quy hoạch. Bởi về dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2050 sân bay Cao Bằng có thể đạt nhu cầu 2,1 triệu khách/năm kết hợp hành khách từ Hà Giang, Bắc Kạn; về an ninh – quốc phòng, việc có sân bay Cao Bằng rất cần thiết vì ở khu vực giáp đường biên, mật độ sân bay thấp; về tính khẩn nguy cũng cần thiết vì hiện chỉ có đường bộ tiếp cận Cao Bằng.

TUẤN PHÙNG/TT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều