Toan tính của lưỡng đảng Mỹ trong nguy cơ phế truất chủ tịch Hạ viện
Ngày 7/5, vụ kiến nghị phế truất Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson vừa có một diễn biến mới không thiếu phần khôi hài. Người kịch liệt khởi xướng kiến nghị này, Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene cùng đảng Cộng hòa với ông Johnson, vừa qua lại bất ngờ dịu giọng chỉ sau một cuộc điện thoại.
Trong tuyên bố của mình, Bà Greene nói rằng, “Tôi sẽ xem, điều đó phụ thuộc vào ông Johnson. Rõ ràng, bạn không thể khiến mọi việc diễn ra ngay lập tức và tất cả chúng ta đều nhận thức và hiểu được điều đó. Vì vậy, quả bóng đang ở phía ông Johnson”.
Trước cuộc gặp với ông Johnson hôm 7-5, bà Greene đưa ra một số yêu cầu đối với ông Johnson, gợi ý rằng bà sẽ từ bỏ nỗ lực phế truất ông Johnson nếu ông chấp nhận chúng.
Những yêu cầu đó bao gồm cam kết không chuyển bất kỳ viện trợ bổ sung nào cho Ukraine, cắt ngân sách cho các công tố viên đặc biệt, trong đó có ông Jack Smith – người đang điều tra cựu Tổng thống Trump,…
Bà Greene không đưa ra hạn chót cụ thể để ông Johnson đáp ứng các yêu cầu trên nhưng lưu ý rằng “nó khá ngắn”.
Ông Johnson từ chối bình luận về các yêu cầu của bà Greene, chỉ nói rằng “có một số gợi ý hay và chúng tôi đang nghiên cứu một số ý tưởng”.
Theo một số nguồn tin, sự thay đổi thái độ của bà Greene về việc phế truất chủ tịch Hạ viện Mỹ diễn ra sau cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa bà này với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/5. Ông Trump được cho là đã thúc giục bà Greene – một đồng minh thân cận của ông – rút lại kiến nghị bãi nhiệm và khuyến khích sự đoàn kết trong đảng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nguy cơ bị phế truất của ông Johnson đã tan biến, nhưng lại phơi bày những câu chuyện đằng sau lưỡng đảng Mỹ.
Chính giới và cử tri Mỹ vốn không lạ lẫm với sự lố bịch của Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene. Bà nghị sĩ dân túy cựu hữu đại diện bang Georgia thường xuyên là tâm điểm chú ý của các tranh cãi, có những phát ngôn bị chỉ trích về các vụ xả súng và còn khét tiếng với hàng tá những thuyết âm mưu ngớ ngẩn và tư tưởng bài xích Do Thái và Hồi giáo.
Bà Marjorie Taylor Greene, thường được gọi tắt là MTG, “sở hữu” danh sách đồ sộ những phát biểu thuyết âm mưu như cháy rừng ở Mỹ là do… vũ khí laser của Do Thái bắn từ không gian, vụ khủng bố 11/9 là do tay trong, các vụa xả súng đấm máu là dàn dựng… Đến mức cử tri Mỹ có hàng tá biệt danh cho MTG như “Jewish space laser lady”, “Marjorie Traitor Greene”.
Khi bà MTG tuyên bố sẽ kiến nghị phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, điều đó không gây bất ngờ và chỉ khiến cử tri và các nghị sĩ châm chọc. Bản thân ông Johnson từng nói bà MTG “không nghiêm túc với công việc” khi phản hồi về kiến nghị của bà nghị sĩ.
Nhưng cho dù ý định của bà Greene có được nhìn nhận như thế nào thì Đảng Dân chủ rõ ràng đã không bỏ lỡ cơ hội tận dụng lục đục nội bộ của đảng đối lập. Trong khi tiền nhiệm Kevin McCarthy bị bãi nhiệm chớp nhoáng chỉ trong vài ngày sau cơ chế phế truất – được chính ông McCarthy nới lỏng – được kích hoạt, điều tương tự có thể không lặp lại với Johnson.
McCarthy, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên bị bãi nhiệm, không nhận được sự ủng hộ từ đảng Dân chủ lẫn chính đảng của mình, dẫn đến nhiệm kỳ chỉ 269 ngày, ngắn thứ hai trong lịch sử. Nhưng với Johnson lại khác, ông đã khá sốt sắng bật đèn xanh thông qua dự luật ngân sách 1.200 tỉ USD giúp chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa từ rạng sáng 23/3, cũng như giúp gói viện trợ nước ngoài 91 tỉ USD, chủ yếu cho Ukraine, được thông qua sau nhiều tháng bị Đảng Cộng hòa cản trở.
Hai việc làm trên cương vị chủ tịch Hạ viện của Johnson dường như đã giúp ông “ghi điểm” trong mắt đảng Dân chủ, nhưng cũng là nguồn cơn khiến phe cực hữu đảng Cộng hòa nổi giận. Các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã phản đối hành động trên. Thậm chí, bà Greene nói rằng ông Johnson đã “phản bội” các cử tri đảng Cộng hòa sau khi thông qua dự luật viện trợ nước ngoài.
Tranh cãi về số phận của Chủ tịch Hạ viện Johnson lên đỉnh điểm hôm 30/4 sau khi đảng Dân chủ tại Hạ viện tuyên bố ủng hộ ông Johnson khỏi nỗ lực phế truất từ bà Greene. Nhưng nếu đảng Dân chủ thực sự ủng hộ ông Johnson, việc phế truất gần như là không thể.
Nguyên nhân bởi ông sẽ cầm chắc 208 phiếu từ phe Dân chủ và chỉ cần 6 phiếu ủng hộ từ đảng của mình. Bà MTG phải cần sự ủng hộ từ 213/218 phiếu của đảng Cộng hòa, tức 97%. Nhưng nhiều đảng viên Cộng hòa thậm chí xem MTG như trò cười và thẳng thừng tuyên bố sẽ bảo vệ ông Johnson.
Có điều, không có gì chắc chắn đảng Dân chủ đối lập sẽ ủng hộ hoàn toàn Johnson, và điều này trở thành “con át chủ bài” cho phe Dân chủ. Chỉ cần “mích lòng” với đảng Dân chủ, lập tức 208 phiếu sẽ quay ngược và bà MTG chỉ cần khoảng 6 phiếu thuận để phế truất biến ông Johnson thành Chủ tịch Hạ viện ngắn nhất trong lịch sử. Nhìn chung, đây là cơ hội hiếm có để đảng Dân chủ chiếm thế thượng phong trong Hạ viện và “điều khiển” được Johnson.
Nhưng đảng Cộng hòa hẳn cũng nhận thức được điều này việc gọi điện kêu gọi bà MTG “đoàn kết nội bộ” cho thấy đảng này không muốn làm mất mặt mình nếu để hai chủ tịch Hạ viện là người của đảng liên tục bị phế truất. Mặt khác, cũng không thể để phe đối nghịch “nắm thóp” ông Johnson và dễ dàng thông qua các chính sách mà họ đề xuất.
Bản thân ông Johnson do đó ở trong thế trên đe dưới búa, không thể làm mích lòng đảng mình lẫn phe Dân chủ. Điều này lại càng khó khi hai đảng đang tranh cãi gay gắt về nhiều chính sách kinh tế và xã hội, đặc biệt là chi tiêu ngân sách.
Dù kết quả ra sao, “cuộc chiến” giữa Johnson và MTG, rộng hơn là trong nội bộ đảng Cộng hòa và toàn Quốc hội Mỹ, đang cho thấy chia rẽ nội bộ chính trường Mỹ đang ngày càng sâu sắc.
Hạnh Văn