+
Aa
-
like
comment

Toàn cảnh hiện trường vụ sạt lở vùi lấp các chiến sĩ ở đèo Bảo Lộc

Hồng Anh - 31/07/2023 17:34

Gần 300 chiến sĩ thuộc các đơn vị chức năng của tình Lâm Đồng được điều động để tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đến trưa ngày 31/7, nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở làm 4 người bị vùi lấp đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy.

Toàn cảnh vụ sạt lở vùi lấp 4 người trên đèo Bảo Lộc (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).

Sáng 31/7, hàng trăm người thuộc các đơn vị chức năng của tỉnh Lâm Đồng vẫn đang gấp rút làm công tác cứu hộ, cứu nạn đưa nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở làm 4 người mất tích tại đèo Bảo Lộc (trong đó có 3 chiến sĩ CSGT và một dân thường).

Chiều qua, sau những trận mưa lớn kéo dài, đèo Bảo Lộc bị sạt lở nhiều điểm. Hàng trăm khối đất đá sạt lở từ trên đỉnh đồi có chiều dài 50 m, cao 3 m tràn xuống trụ sở Trạm cảnh sát giao thông Madagui (thuộc phòng CSGT Công an Lâm Đồng). Ba cảnh sát giao thông và một người dân bị vùi lấp.

Căn nhà thuộc Trạm CSGT Madaguoi đổ nghiêng một bên đường, nhiều đất đá vùi lấp xung quanh đang được lực lượng chức năng di dời.

Tỉnh Lâm Đồng huy động 200 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội và lực lượng khác; gần 20 phương tiện, máy móc (máy múc, xe ben, máy khoan, máy dò…) tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp, khắc phục hậu quả. Đến tối lực lượng chức năng tìm thấy thi thể ba chiến sĩ công an.

Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đến hiện trường sạt lở. Ông đề nghị việc khắc phục hậu quả phải tiến hành khẩn trương và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Nhiều ngôi nhà tan hoang sau vụ sạt lở

Những ngày qua, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và đời sống của người dân.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn khẩn trương tìm kiếm người mất tích.

Đặc biệt, ngày 30/7, tình trạng mưa lớn diễn ra từ sáng sớm gây tình trạng sạt lở đất đá với khối lượng lớn, cây cối gãy, đổ xuống đường gây chia cắt giao thông nghiêm trọng, khiến nhà cửa, tài sản của người dân khu vực đèo Bảo Lộc bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề.

Tại hiện trường vụ sạt lở, một khối lượng đất đá đã được loại bỏ khỏi mặt đường, hàng chục phương tiện cơ giới như máy xúc, máy cẩu, máy ủi đang hoạt động hết công suất.

Trước tình hình cấp bách nêu trên, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ: Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH; Phòng CSGT; Phòng Cảnh sát cơ động… phối hợp Công an TP Bảo Lộc, Công an huyện Đạ Huoai khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu nạn cứu hộ, điều tiết giao thông…

Một chiếc xe máy tại Trạm CSGT Madaguoi bị biến dạng do sạt lở đất.

Tham gia lực lượng cứu nạn cứu hộ trên đèo có 3 đồng chí cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng được phân công làm nhiệm vụ tại Trạm CSGT Mađanguôi, thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai, gồm: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, Đại úy Lê Quang Thành, Thượng úy Lê Ánh Sáng.

Nhiều thành viên cứu hộ mệt mỏi vì làm việc suốt nhiều giờ liền dưới mưa.

Khi đang thực hiện công tác điều tiết phân luồng giao thông, cứu nạn cứu hộ trên tuyến đường đèo Bảo Lộc thì 3 đồng chí nhận được yêu cầu trở về chốt để di chuyển các thiết bị nghiệp vụ và phương tiện của lực lượng CSGT do có nguy cơ bị mưa lũ gây ngập, hỏng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tại chốt, lực lượng CSGT nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của anh Phạm Ngọc Anh, nguyên chiến sĩ Công an nghĩa vụ, cư trú gần khu vực chốt.

Khu vực sạt lở nhìn từ trên cao.

Khoảng 14h30 ngày 30-7, khi đang trong quá trình di dời phương tiện, thiết bị tài sản, anh Phạm Ngọc Anh bị đất đá sạt lở vào người, các đồng chí CBCS CSGT của chốt đã lao vào cứu giúp. Bất ngờ, hàng nghìn mét khối đất đá đổ ập xuống, vùi lấp Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, Đại úy Lê Quang Thành, Thượng úy Lê Ánh Sáng và anh Phạm Ngọc Anh; 3 đồng chí cán bộ còn lại của chốt CSGT đã thoát kịp.

Điểm sạt lở bắt đầu từ giữa ngọn đồi, xung quanh bị chặt trụi cây để trồng sầu riêng.

Ngay sau đó, lực lượng CNCH của Công an tỉnh Lâm Đồng đã được huy động, nhưng do tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra hết sức nguy hiểm nên đến khoảng 17h cùng ngày, lực lượng CNCH mới tiếp cận được hiện trường. Do khối lượng đất đá vùi lấp rất lớn nên việc xác định vị trí của CBCS bị vùi lấp gặp rất nhiều khó khăn. Đến khoảng 24h cùng ngày, lực lượng CNCH đã tìm thấy thi thể của 3 đồng chí cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng và anh Phạm Ngọc Anh.

Đến nay, tất cả 4 nạn nhân thứ bị vùi lấp đã được tìm thấy.

Ngay trong chiều nay (31-7), Bộ trưởng Tô Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ nghĩa tình đồng đội CAND đã ký Quyết định hỗ trợ gia đình mỗi CBCS hy sinh số tiền 100 triệu đồng; hỗ trợ gia đình anh Phạm Ngọc Anh số tiền 50 triệu đồng.

Bộ Công an cũng đã làm thủ tục đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ và cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 3 đồng chí CSGT hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Hồng Anh

Bài mới
Đọc nhiều