+
Aa
-
like
comment

Toàn bộ tàu ngầm Nga ở Crimea đột ngột rời khỏi căn cứ: Chuyện gì xảy ra?

28/03/2021 18:44

“Điều gì đã dẫn tới động thái bất thường này? – Topcor.ru đặt câu hỏi.

Toàn bộ tàu ngầm Nga đột ngột rời khỏi căn cứ

Theo trang mạng topcor.ru, cách đây khoảng 1 tuần, tất cả các tàu ngầm tại căn cứ hải quân của Hạm đội Biển Đen (Nga) ở Sevastopol, Crimea đột ngột rời đi đồng loạt. Thông thường, sẽ chỉ có một bộ phận các tàu ngầm được đặt trong trạng thái báo động, số còn lại sẽ ở lại căn cứ và thực hiện hoạt động luân chuyển dần dần.

“Vậy thì điều gì đã dẫn tới động thái bất thường này? Ai đã khiến toàn bộ lực lượng tàu ngầm Nga phải đồng loạt lên đường ‘đi săn'”? – Topcor.ru đặt câu hỏi.

Theo Phó Đô đốc Osipov, các tàu ngầm này đã đi ra Biển Đen và một chiếc đã tới Địa Trung Hải, nơi nó sẽ thay thế cho một chiếc tàu khác cùng loại đang hoạt động ở đó. Chúng ta đang nói tới các tàu ngầm diesel-điện đa nhiệm đề án 636.3 Varshavyanka.

Lớp tàu ngầm này được đánh giá là cực kỳ thành công do đã kết hợp tối ưu tốc độ lặn dưới nước, độ ồn thấp và phạm vi phát hiện mục tiêu. Ưu thế này cho phép các tàu ngầm Varshavyanka bí mật tiếp cận đối phương và tấn công mục tiêu bằng các loại tên lửa chống tàu hoặc tên lửa hành trình Kalibr.

Nhờ độ ồn thấp, khiến đối phương khó lòng phát hiện nên Varshavyanka còn được NATO gọi là “Hố đen”. Hạm đội Biển Đen hiện có 6 tàu ngầm thuộc lớp này. Chiếc tàu ngầm disel-điện thứ 7 của hạm đội, gọi là B-871 “Alrosa” (đề án 877V Paltus) đang trong giai đoạn sửa chữa.

Toàn bộ tàu ngầm Nga ở Crimea đột ngột rời khỏi căn cứ: Chuyện gì xảy ra? - Ảnh 1.
Tàu ngầm Kilo của Hạm đội Biển Đen. Ảnh: Navy Recognition

Nga muốn phát đi thông điệp gì?

Theo topcor.ru, Hạm đội Biển Đen dường như đã điều động cùng lúc toàn bộ các tàu ngầm của họ ra biển để thực hành kịch bản khẩn cấp đẩy lùi một cuộc xâm lược quy mô lớn bằng đường biển. Trên thực tế, các hoạt động quân sự của NATO và những ứng viên đang muốn gia nhập liên minh này tại Biển Đen đang liên tục gia tăng, khiến Nga lo ngại.

Từ ngày 27/2 – 6/3, cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Poseidon-21 đã diễn ra ở Biển Đen, gồm 13 tàu chiến của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Bulgaria không thể tham gia do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, cuộc tập trận còn có sự góp mặt của hơn 700 quân nhân đến từ các quốc gia thành viên.

Lực lượng tác chiến đường không hải quân được triển khai bao gồm các máy bay chiến đấu Rafale, Eurofighter Typhoon, trực thăng IAR 330 MEDEVAC, Puma, và các phương tiện không người lái dưới nước được điều khiển từ xa của Thổ.

Cuộc tập trận của NATO tập trung vào nội dung: vô hiệu hóa một số mối đe dọa dưới nước bằng cách sử dụng trinh sát thủy văn, phát hiện và vô hiệu hóa mìn biển cùng các thiết bị nổ khác.

Bên cạnh đó là các bài tập thực hành phòng không, chống hạm đội tàu nổi và tàu ngầm của kẻ địch mô phỏng, tiếp nhiên liệu cho tàu trên mặt nước, cứu kéo tàu bị hư hỏng và hỗ trợ y tế cho những người bị thương. Đây có thể xem là một kịch bản cho một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ ở lưu vực Biển Đen.

Ngoài ra, từ đầu năm nay, Ukraine đã tiến hành cuộc tập trận thứ 2 với sự hợp tác của NATO, trong đó tập trung thực hành đẩy lùi vũ khí tấn công đường không của đối phương và thực hiện huấn luyện tác chiến hải quân.

Chưa hết, từ ngày 19/3 – 29/3, cuộc tập trận của NATO mang tên Sea Shield 21 còn diễn ra ở Biển Đen, với sự tham gia của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bulgaria và Hy Lạp. Tổng cộng hơn 2.400 quân nhân thuộc khối NATO, 18 tàu chiến và 10 máy bay sẽ có mặt trong cuộc tập trận.

Những lực lượng này đang muốn đồng lòng chống lại thế lực nào ở Biển Đen? Câu trả lời không khó để nhận ra.

Do đó, theo topcor.ru, có thể dễ nhận thấy là toàn bộ các tàu ngầm Varshavyanka của Hạm đội Biển Đen đã được triển khai cùng lúc ra biển vào thời điểm NATO bắt đầu cuộc tập trận Sea Shield.

Chỉ huy của Hạm đội Biển Đen cho biết, “tất cả các tàu ngầm đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau”. Vậy thì đó có thể là những nhiệm vụ gì?

Trang mạng Nga cho rằng, các tàu ngầm Varshavyanka sẽ một lần nữa chứng tỏ chúng không phải vô duyên vô cớ được gọi là “Hố đen” và sẽ “săn lùng” các tàu chiến của khối NATO.

Hệ thống phóng trên tàu cho phép chúng triển khai các tên lửa hành trình Kalibr ngay cả khi đang lặn dưới nước, cho phép tiêu diệt không chỉ mục tiêu tàu nổi, mà còn cả các mục tiêu ngầm dưới biển.

6 chiếc tàu ngầm Varshavyanka có thể tạo ra nhiều mối đe dọa đối với hạm đội của NATO. Nếu các phương tiện chống ngầm của họ tỏ ra vô dụng trước Varshavyanka thì theo topcor.ru, NATO nên suy nghĩ kỹ lại xem liệu họ đã sẵn sàng đối đầu với Nga ở Biển Đen hay chưa.

QS

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều