Toàn bộ chính phủ từ chức – địa chấn chính trường Nga
Với bài phát biểu thông điệp liên bang năm nay, ông Putin dường như đã khởi động quá trình chuyển giao để chuẩn bị cho một tương lai của nước Nga khi ông không còn làm tổng thống.
Nhưng năm nay, bài phát biểu của ông Putin, một cách đầy bất ngờ, đã trở thành một trong những sự kiện đáng nhớ nhất của nền chính trị Nga hậu Xô Viết, theo bình luận của cây viết người Ireland Bryan MacDonald, đăng trên RT hôm 15/1.
Ngày nhiều sự kiện Chỉ trong một ngày, chính phủ Nga từ chức, Thủ tướng Dmitry Medvedev rời khỏi hàng đầu của sân khấu chính trị, ông Putin xác nhận sẽ không tiếp tục làm tổng thống khi hết nhiệm kỳ, và Mikhail Mishustin, quan chức thế giới ít biết đến, trở thành thủ tướng mới.
Và đây mới chỉ là ngày 15/1, một tuần sau khi nước Nga kỷ niệm lễ Giáng sinh theo lịch Chính Thống giáo, hai tuần sau khi đón chào năm mới 2020.
Đến buổi sáng, ông Mishustin vẫn còn ít được biết đến tới mức, chính trị gia này không có trang Wikipedia bằng tiếng Anh. Những thông tin của ông bên trong nước Nga cũng không nhiều, không có các chiến thắng chính trị hay hành chính nào.
Nhưng không có nghi ngờ gì về việc ông là một nhà quản lý hiệu quả. Với tư cách là người đứng đầu cơ quan thuế liên bang Nga, ông đã giúp nước này đạt được những thành công vượt bậc.
Doanh thu từ thuế tăng 20% mặc dù thuế chỉ tăng 2%. Năm ngoái, tạp chí Financial Times còn nhận định ông Mishustin là “tương lai của ngành thuế” vì vai trò xây dựng hệ thống quản lý thuế bằng số hoá theo thời gian thực, một trong những hệ thống tiên tiến và hiệu quả nhất thế giới.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi việc trốn thuế từng diễn ra tràn lan ở Nga.
Là dân Moscow chính hiệu, ông Mishustin cũng thích chơi hockey như tổng thống, và từng được mô tả là “một nhân vật chính trị ít được biết đến ở Nga, một viên chức điển hình, người có thể hoàn thành công việc”.
Người ta cũng hoàn toàn có thể dùng những từ ngữ đó để mô tả ông Putin vào năm 1999.
Ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu cơ quan thuế Liên bang Nga, sẽ trở thành thủ tướng mới thay thế ông Medvedev. Ảnh: RT.
Hệ thống này là di sản của người tiền nhiệm Boris Yeltsin, được đưa ra vào năm 1993 với sự ủng hộ của Mỹ, sau khi ông đưa xe tăng bắn vào toà nhà quốc hội để giải quyết cuộc khủng hoảng hiến pháp vào tháng 10 năm đó.
Chuẩn bị cho tương lai
Giờ đây ông Putin có kế hoạch trao nhiều quyền lực hơn cho quốc hội, và thủ tướng cũng sẽ có nhiều quyền hành hơn. Ông cũng muốn vai trò của Hội đồng Nhà nước được nâng cao hơn, và nhiều người dự đoán có thể ông sẽ đến đó sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống.
Hội đồng Nhà nước bao gồm người đứng đầu các khu vực của Nga và thành viên của Văn phòng Tổng thống, cơ quan này sẽ đóng vai trò cố vấn.
Để thực hiện những mục tiêu này, ông Putin muốn giảm bớt quyền lực của tổng thống và giới thiệu hạn mức tối đa 2 nhiệm kỳ cho vị trí này. Điều đó có nghĩa là tổng thống Nga sẽ chỉ có tối đa 12 năm ở điện Kremlin, trong khi bản thân ông Putin đã ở đây 16 năm rồi. Tầm nhìn ở đây là việc có nhiều hơn các cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực, với một tổng thống “yếu” hơn và các nhánh khác của chính phủ “mạnh” hơn.
Mục tiêu của Tổng thống Putin là giữ nguyên hệ thống mà ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm Yeltsin, nhưng có một chút điều chỉnh. Dù sao thì bên cạnh tất cả những chỉ trích với hệ thống này, nó cũng đã mang tới cho người Nga sự tự do và thịnh vượng chưa từng có. Tuy nhiên vẫn có nhiều việc phải làm để phân phối của cải trong xã hội một cách công bằng hơn.
Nếu như vậy, vị trí của ông Putin trong lịch sử sẽ khá giống với Franklin Delano Roosevelt, vị tổng thống Mỹ đã trải qua 4 nhiệm kỳ và giúp đất nước vượt qua sự sụp đổ về kinh tế và xã hội trong cuộc khủng hoảng 1929-1933 (trong trường hợp của Nga là sự tan rã của Liên bang Xô Viết và thập kỷ 1990).
Điều này cũng phù hợp với những gì người trong cuộc ở Moscow thường nhắc tới: Putin muốn được lịch sử ghi nhớ một cách tích cực, điều mà rất ít nhà lãnh đạo Nga được hưởng.
Một yêu cầu khác của Tổng thống Putin cho những người kế nhiệm, đó là việc phải sống 25 liên tục ở Nga trước khi trở thành tổng thống, và chưa từng có hộ chiếu nước ngoài hay giấy phép cư trú ở nước ngoài.
Những thay đổi được đề xuất có thể sẽ được thực hiện sau khi có một cuộc thăm dò công khai với người dân toàn quốc, để đảm bảo chúng nhận được sự ủng hộ rộng rãi, mặc dù gần như chắc chắc Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) sẽ thông qua những thay đổi này.
Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Putin cũng đáp ứng các mối quan tâm trong nước bằng việc cam kết tăng lương cho giáo viên, xây dựng nhiều cơ sở chăm sóc trẻ em hơn, cung cấp bữa trưa nóng miễn phí cho học sinh trong 4 năm đầu và tăng trợ cấp trẻ em thêm 48 tháng. Tất cả được cho là nhắm đến việc tăng tỷ lệ sinh vốn chỉ đạt mốc 1,48 trẻ trên mỗi phụ nữ.
“Số phận của nước Nga và triển vọng lịch sử của nó phụ thuộc vào việc có bao nhiêu người trong chúng ta”, ông Putin nói.
Sơn Trần/ZN