+
Aa
-
like
comment

Tòa án Pháp bác bỏ vụ kiện của nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam kiện các công ty hóa chất Mỹ

11/05/2021 06:28

Hôm nay 10/5, một tòa án Pháp đã bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga – một phụ nữ Pháp gốc Việt, chống lại các công ty đa quốc gia sản xuất và buôn bán chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Các nhà hoạt động cầm ảnh bà Trần Tố Nga trong một sự kiện ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam tổ chức ở Paris - Pháp vào cuối tháng 1-2021 Ảnh: AP
Các nhà hoạt động cầm ảnh bà Trần Tố Nga trong một sự kiện ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam tổ chức ở Paris – Pháp vào cuối tháng 1-2021 Ảnh: AP

Nguyên đơn, bà Trần Tố Nga, một cựu nhà báo từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, năm nay 79 tuổi. Bà khởi kiện từ năm 2014 chống lại 14 công ty hóa chất, kể cả các công ty Dow Chemical và Monsanto của Mỹ mà giờ thuộc sở hữu của tập đoàn dược phẩm khổng lồ Đức Bayer.

Reuters cho biết, bà Trần Tố Nga đã khẳng định việc vụ kiện bị bác bỏ và tuyên bố sẽ kháng cáo.

Các luật sư của bà Nga nói rằng Tòa án Evry  (ngoại ô Paris) đã “áp dụng một định nghĩa lỗi thời về nguyên tắc Miễn trừ quyền tài phán, mâu thuẫn với các nguyên tắc hiện đại của luật quốc tế và luật quốc gia”.

Trong tuyên bố ngày 10/5 của các luật sư, họ cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi các công ty hóa chất, dưới sự ràng buộc của Chính phủ Mỹ, đã đáp ứng lời kêu gọi đấu thấu trong khi họ có thể tự do trả lời không tham dự. Nghiêm trọng hơn, chính quyền Mỹ không yêu cầu sản xuất sản phẩm có hàm lượng dioxin cao như chất da cam nhưng các công ty đã chủ trương làm vậy.

Các luật sư cho rằng Tòa án đã bỏ qua các yếu tố chứng minh khả năng của các công ty. Bên nguyên sẽ đưa lên tòa Phúc thẩm để yêu cầu được xem xét những liên lạc giữa các công ty hóa chất với Chính phủ Mỹ mà hiện giờ chỉ được xem xét một phần do các công ty lựa chọn và đưa ra với chủ ý của họ.

Tòa án Pháp bác bỏ vụ kiện của nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam kiện các công ty hóa chất Mỹ - Ảnh 1.
Bà Trần Tố Nga kiện các công ty hóa chất Mỹ tại tòa án Pháp từ năm 2014. Ảnh: Le Monde.

Bà Trần Tố Nga trong hồi ký đã kể lại  bà đã hít phải chất da cam năm 1966 khi bà tham gia cuộc chiến chống ngoại xâm.

“Vì thế mà tôi mất một đứa con so dị tật ở tim. Tôi có hai con gái nữa, chúng sinh ra với dị tật bẩm sinh. Các cháu tôi cũng vậy”- bà nói với hãng tin Mỹ AP.

Bà đòi bồi thường cho các vấn đề sức khỏe của bà, trong đó có bệnh ung thư, cũng như sức khỏe của các con bà.

Cho đến nay, chỉ có cựu chiến binh Mỹ và các nước khác tham chiến ở Việt Nam được các công ty hóa chất Mỹ bồi thường. Bà Nga, sau này sang Pháp sinh sống và nhập tịch Pháp, đệ đơn kiện ở Pháp, bởi hệ thống tòa án Pháp cho phép công dân kiện liên quan đến những sự vụ diễn ra ở nước ngoài.

Quân đội Mỹ đã sử dụng chất da cam để khai quang các khu rừng, tìm diệt Việt Cộng trong chiến tranh. Trong những năm từ 1962 – 1971, quân đội Mỹ đã phun khoảng 11 triệu gallon chất da cam xuống miền nam Việt Nam. Dioxin trong chất da cam tồn đọng trong đất và trong bùn lấy dưới các lòng hồ, lòng sông ở Việt Nam trong nhiều thế hệ. Nó có thể đi vào chuỗi thực ăn thông qua mỡ cá và các động vật khác.

Theo con số của phía Việt Nam, có khoảng 4 triệu người Việt bị phơi nhiễm và 3 triệu người gánh chịu hậu quả, trong đó có con cái những người từng phơi nhiễm trong chiến tranh.

“Đó là tội ác, là thảm kịch vì hậu quả của chất da cam không dừng lại. Nó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” – bà Nga nói.

Tập đoàn Đức Bayer nói rằng trách nhiệm pháp lý với vụ kiện của bà Trần Tố Nga phải thuộc về Mỹ. Tuyên bố của Bayer nói rằng chất da cam được sản xuất “chỉ dưới sự quản lý của chính phủ Mỹ và chỉ cho các mục đích quân sự”.

Các luật sư của bà Nga nói rằng Chính phủ Mỹ không trưng dụng chất da cam nhưng đã bảo đảm cho chất da cam từ các công ty thông qua quá trình đấu thầu của quân đội.

Tuyên bố kháng cáo

Theo các luật sư của bà Tố Nga, tòa án đã áp dụng “một định nghĩa lỗi thời về nguyên tắc miễn trừ tài phán, mâu thuẫn với các nguyên tắc hiện đại của luật pháp quốc tế và quốc gia (Pháp)”. Bà Trần Tố Nga và các luật sư tuyên bố sẽ kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn.

Trong phán quyết ngày 10-5, tòa án Evry chấp nhận rằng các công ty hóa chất bị kiện đã hành động dưới sức ép chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, các luật sư đại diện cho bà Tố Nga nhấn mạnh các tập đoàn này đã tham gia đấu thầu cung cấp cho quân đội Mỹ và trong quá trình đó, họ có thể tự do tham gia, thực hiện hoặc không. Hơn nữa, các khuyến nghị trong đấu thầu do chính quyền Mỹ đưa ra không hề có yêu cầu sản xuất một sản phẩm có hàm lượng dioxin cao như chất độc da cam được sử dụng ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Việc tăng hàm lượng dioxin nhằm tối đa hóa mức độ độc hại cho môi trường và con người là kết quả của công thức hóa học được sáng chế một cách tự chủ và độc lập bởi các công ty liên quan. Nói ngắn gọn, theo các luật sư, hàm lượng dioxin là trách nhiệm của nhà sản xuất!

Luật sư của bà Tố Nga, ông William Bourdon, cho biết trước phiên tòa phúc thẩm sắp tới, ê-kíp của ông sẽ yêu cầu các tập đoàn hóa chất cung cấp tất cả tài liệu, văn bản liên quan, các trao đổi của họ với chính phủ Mỹ ở thời điểm đó. Theo ông Bourdon, các thẩm phán trong phiên tòa vừa qua chỉ mới được tiếp cận một phần rất nhỏ các hồ sơ kể trên do các công ty bị kiện cung cấp.

Về phần mình, bà Tố Nga bày tỏ quyết tâm tiếp tục theo đuổi công lý: “Phía sau tôi, có cả hàng triệu nạn nhân, hàng triệu người ủng hộ cho công lý!”.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều