+
Aa
-
like
comment

Tổ quốc tiếng gà trưa

02/04/2020 15:10

Thấu hiểu những yêu cầu về chống dịch bệnh mang lại nhiều bất tiện cho nhân dân, Thủ tướng mong muốn nhận được sự chia sẻ, đồng cảm. Chính phủ rất khó khăn khi buộc phải ra quyết sách như vậy để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng yêu cầu, tuy khó khăn chồng chất nhưng chúng ta kiên trì, quyết liệt hơn, phấn đấu bảo đảm nền kinh tế không bị đổ gãy, với mức tăng trưởng cần thiết để giải quyết việc làm, bảo đảm các cân đối lớn.

“Ưu tiên hàng đầu trong điều hành của Chính phủ lúc này là không để dịch bệnh bùng phát”, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ, “phải yên tâm được về sức khỏe, tính mạng của nhân dân thì Chính phủ mới yên tâm tính kế đảm bảo bảo mưu sinh cho hàng chục triệu đồng bào cũng như nền kinh tế không gục ngã”

Theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng, người dân đồng thuận rất cao trong việc tuân thủ các yêu cầu về chống dịch.

Giữa Thủ đô, những nơi vốn sầm uất nhất cũng trở nên yên tĩnh đến độ bỗng nhiên nghe được tiếng gà gáy trưa vọng lại từ đâu đó mang theo ký ức một thời chiến tranh, khốc liệt nhưng vẫn tràn những sắc màu tươi đẹp của “Tổ quốc tiếng gà trưa”.

Có thể đây cũng sẽ là giai đoạn không thể nào quên trong lịch sử, khi phải vật lộn chiến đấu với dịch bệnh, Chính phủ vẫn quyết tâm cao độ trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Nhìn lại 3 năm qua, bắt đầu từ năm 2017, nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển đầy khí thế, các Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết năm 2017, 2018, 2019 đều có sự tham dự, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

3 tháng trước, Hội nghị Chính phủ và các địa phương ghi nhận một khí thế lên cao chưa từng có khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn lại đánh giá của Ngân hàng thế giới về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam năm 2019, “mây đen phủ bóng toàn cầu nhưng mặt trời vẫn tỏa nắng ở Việt Nam”.

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước không quên nhắc Chính phủ “không ngủ quên trong vòng nguyệt quế”.

Nhận định việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045, cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc, Thủ tướng canh cánh nỗi lo, chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm.

“Vì vậy, năm nào tôi cũng muốn nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là không ngủ quên trong vòng nguyệt quế”, ông nói.

Nỗi lo của Thủ tướng trở thành hiện hữu khi bước vào năm 2020, đại dịch đến như một cơn bão bất ngờ, với mức độ tàn phá mà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới coi nó là thảm họa kể từ sau thế chiến II.

Theo đó, khó mà có được vòng nguyệt quế cho kinh tế Việt Nam năm nay. GDP quý 1 tăng ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.  Nhưng Việt Nam vẫn nổi lên là quốc gia “tỏa nắng”.

Vào tháng 1 năm 2020, nước láng giềng Trung Quốc gần như rơi vào khủng hoảng vì dịch bệnh COVID- 19. Lúc đó ở Việt Nam, dù số ca nhiễm còn thưa nhặt, các biện pháp thực hiện đều nằm ở mức cao hơn so với những nước khác cũng như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Việt Nam được đánh giá là quốc gia chống dịch tốt nhất thế giới.

Rất thận trọng, Thủ tướng thấy, quốc gia chống dịch tốt nhất thế giới, hay là một quốc gia quá sợ hãi trong chống dịch, đang là một ranh giới mong manh. Nếu quá sợ hãi, thì dịch bệnh đến rồi đi ở các nước, còn Việt Nam sẽ vẫn… “trường kỳ kháng chiến”.

Dịch bệnh có thể làm đứt gãy nền kinh tế nhưng nỗi ám ánh sợ dịch bệnh cũng có thể khiến như vậy, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam còn đang mắc các “bệnh lý nền”, mà ngay lúc này là sự xâm nhập mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng trì trệ của các dự án đầu tư công mà có đại biểu đã nói thẳng ở Quốc hội rằng, “nhiệm kỳ này Chính phủ chưa có được dự án nào mang dấu ấn”…

Việt Nam, nếu như năm 2019 còn đang thấy ngay ở trước mắt ngưỡng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao (theo chuẩn giá 2019 của WB) là 3.996 USD; giờ có thể ngưỡng này trập trùng xa cách.

Nền kinh tế Việt đang đứng trước thách thức nghiệt ngã. Bởi vậy, nếu như các năm trước đây, Thủ tướng quyết tâm cao độ để “không ngủ quên trong vòng nguyệt quế”, thì giờ đây, chính là không để nền kinh tế “ngủ quên trong nỗi sợ” sau 15 ngày cao điểm. Không ngủ quên, thì mới có lực để tiếp tục bật dậy.

Dẫu thế, ông cũng thật lòng chia sẻ, “mọi việc đều trong tầm kiểm soát, trong dự liệu nhưng tâm trạng vẫn cảm thấy “sợ” mỗi khi nhận tin có thêm ca nhiễm bệnh”, theo Thủ tướng, sức khỏe mỗi người dân luôn là nỗi thấp thỏm không yên của ông.

Người đứng đầu Chính phủ đã  đứng trước Nghị trường Kỳ họp cuối năm 2018 để đếm từng người dân, “dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019. Tôi nói con số lẻ thế có nghĩa gì? Là để chúng ta hiểu và đặt sự lưu tâm của chúng ta đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót”.

Nỗi thấp thỏm lo cho sức khỏe của người dân là nỗi lo chính đáng, Thủ tướng khẳng định “Sức khỏe của người dân là trên hết, không hy sinh sức khỏe của người dân để phát triển kinh tế. Nhưng không thể chấp nhận đối với người làm lãnh đạo mà lại để nỗi sợ này kéo theo nỗi sợ khác đến nỗi nhụt chí, không dám làm gì”.

Thực tế cho thấy, đã có những dấu hiệu đó trong điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Như trong câu chuyện ngập ngừng xuất khẩu gạo vừa diễn ra. Hay như trong việc ra quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học trước đó. Đầu tiên, việc được đẩy lên Thủ tướng, Thủ tướng giao cho quyền tự quyết, Bộ lại đẩy cho Sở, Sở đẩy cho các trường, cuối cùng, các trường xin ý kiến phụ huynh.

Có địa phương thì vội vã chỉ đạo tạm dừng tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn. Ngay Hà Nội triệu tập họp khẩn cấp vào giữa đêm khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, và rồi nhiều người dân Thủ đô mất ngủ chờ trời sáng để đổ ra các chợ dân sinh và siêu thị lớn, nhỏ tha lôi nhu yếu phẩm tích trữ như thời chạy giặc.

Thủ tướng đang đi công tác ở miền Tây chống hạn mặn và thúc tiến độ cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận  phải cấp tốc có chỉ đạo “nóng” về Hà Nội, trong đó có việc ông trực tiếp điện thoại cho lãnh đạo Tổng công ty lương thực miền Bắc yêu cầu, “bán gạo đến 11h đêm”.

Giữa “tâm bão”, chắc chắn, điều Thủ tướng không muốn nghe là các báo cáo hình thành trong nỗi sợ. Lúc này có thể bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe của người dân, nhưng nếu những ngày sau mà nghèo đi, thì họ cũng sẽ yếu đi.

GDP năm nay có thể không đạt mục tiêu đề ra. Nhưng ít nhất, cả bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương phải thể hiện được nỗ lực cao nhất, vượt lên nỗi sợ để chiến thắng dịch bệnh với tâm thế của một dân tộc anh hùng.

Chứ không phải sau “bão”, là đứt gãy khát vọng hóa rồng, hóa hổ của nền kinh tế Việt.

Lê Châu/VGP

Bài mới
Đọc nhiều