+
Aa
-
like
comment

Tổ quốc không bỏ lại ai phía sau nhưng đôi khi có người lại muốn “ngồi lên đầu Tổ quốc”

Đinh Lực - 25/03/2020 13:14

Trong những ngày vừa qua, mạng xã hội ngập tràn slogan “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”; “Hãy ở yên khi Tổ Quốc cần. Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào, đang ở chỗ nào thì hãy ở yên chỗ đấy”; thậm chí có cả bài bát “Hãy ở nhà khi Tổ quốc cần” lan tỏa thông điệp thu hút hàng triệu lượt xem.

Khẩu hiệu này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng mạng khi trong lúc dịch bệnh, chúng ta cùng hướng tới sự hạn chế tiếp xúc đám đông, giữ gìn cho bản thân, gia đình và xã hội là một điều đặc biệt quan trọng.

Có lẽ khẩu hiệu này bắt đầu từ những trường hợp bệnh nhân vốn khai báo gian dối về tình trạng sức khoẻ, đi nhiều nơi mặc dù biết lời kêu gọi của Chính phủ, tiếp xúc với người người.

Cơ quan chức năng làm thủ tục đón đoàn người cách ly ở Châu Âu về nước.

Đặc biệt là những người trở về từ vùng dịch, đã trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp xúc với đối tượng nhiễm virus, thuộc diện phải cách ly, theo dõi của cơ quan chức năng,… Sự hợp tác vào thời điểm này chính là trách nhiệm giúp chúng ta cùng chung tay với cả nước ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

Nhưng hãy đứng yên ở nhà khi Tổ quốc cần cũng không phải là nên tích trữ cần thiết, đừng đi chuyển ra khỏi vùng có bệnh nhân dương tính… Tránh gây khó khăn, cản trở cho chính quyền khi đang cố gắng không ngừng chống dịch.

Virus không chừa một ai, không có ai trong chúng ta đoán chắc được mình không phải vật chủ chứa virus nếu chưa qua xét nghiệm. Không có ai trong chúng ta khẳng định mình không có nguy cơ nhiễm dịch Covid-19.

Bài học bệnh nhân 31 ở Hàn Quốc, thành viên giáo phái Tân Thiên Địa, Italia hay các nước châu Âu, hàng trăm người tử vong và dường như nhiều nơi như Italia vẫn chưa đủ để tỉnh thức và ngăn chặn được dịch bệnh, cũng như ngăn chặn đoàn người chạy trốn khỏi các vùng dich.

Có lẽ, tâm lý trong cơn hoảng loạn của xã hội, những người trước nhu cầu thoát khỏi cái chết ấy chỉ quan tâm đến sự an toàn (tưởng tượng) của chính mình thôi vậy.

Covid-19 không đáng sợ nếu chúng ta nhận diện được nó, nếu chúng ta đã có thể phòng vệ và kiểm soát được nó. Ở Việt Nam vẫn chưa có ai phải chết vì dịch bệnh này. Sự sợ hãi đến từ chính những tin giả, những bài viết kích động, xuyên tạc về số ca nhiễm, lây lan.

Cách đây 1 vài hôm vào lúc 3h sáng tại khu cách ly tập trung Pháp Vân – Tứ Hiệp, nơi cách ly có đoàn từ châu Âu về tỏ thái độ với sự sắp xếp của cán bộ chuyên trách.

Video của cuộc tranh cãi của một bạn tại khu cách ly chỉ quay được đoạn cuối, chứ không ghi được những đoạn chửi tục và xúc phạm thậm tệ của đám người kia với người phụ trách. Anh bộ đội đã phải gào lên rằng: “chúng tôi còn mệt mỏi hơn các anh chị rất nhiều” và “làm ơn nghe theo sắp xếp”.

Hình ảnh từ video đăng tải nhóm người tỏ thái độ với sự sắp xếp của cán bộ chuyên trách.

Phải chăng việc nhiều cơ quan truyền thông đưa tin về mặt tích cực của công tác cách ly, gọi đó là “kỳ nghỉ dưỡng 2 tuần” để các đồng bào yên tâm, không mặc cảm đã khiến các đối tượng như thế này nghĩ rằng chúng nó là thượng đế đang đi nghỉ dưỡng thật?

Chúng ta đã quên rằng trách nhiệm cộng đồng của những người trở về từ vùng dịch với sự nỗ lực không bỏ lại công dân phía sau của Tổ quốc. Không ít những con người từ Châu Âu trở về đã không học được gì khôn ngoài tính “ngáo thượng đẳng”, như người phụ nữ trở về từ Ba Lan, Đài Loan làm náo loạn sân bay hôm trước.
Vài tiếng đồng hồ chờ khai báo y tế và đưa đi cách ly “kinh khủng” đến như vậy. Thì thử hỏi nếu họ cách ly 14 ngày trong điều kiện không hoàn toàn tốt đẹp, phù hợp với sinh hoạt hằng ngày thì thử hỏi họ sẽ gào thét làm sao nữa?

Người phụ nữ từ Ba Lan về nước và tỏ thái độ không hợp tác với sự sắp xếp của cơ quan chức năng.

Đó là sự vô ơn và thiếu trách nhiệm của bệnh nhân số 35 (Đà Nẵng) khi được yêu cầu cách ly, nhưng đã cố tình phá cửa trốn khỏi khu cách ly. Không những thế cá nhân này còn về nói với người nhà là được bệnh viện cho về.

Sự việc diễn ra vào 14h ngày 19/3, nhân viên Trung Y tế Hải Châu (Đà Nẵng) vào khu vực cách ly để kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ thì phát hiện 5 người không có mặt. Các ngành kiểm tra thì phát hiện cửa sau phòng cách ly bị phá khóa.

Biên bản hiện trường được lập, có xác nhận và chứng kiến của lực lượng công an trực. Vụ việc được báo cáo Công an quận Hải Châu và UBND phường Bình Thuận, các cơ quan xác định 5 người thân của BN35 đã bỏ cách ly để về nhà.

Qua xác minh chứng cứ hiện trường, camera an ninh, cơ quan Công an, Trung tâm Y tế xác định, S. (chồng BN 35) đã phá khóa cửa để mọi người ra ngoài. Ổ khóa cửa vẫn còn nguyên nhưng có tác động từ bên trong khiến bộ phận gắn vào cửa để móc ổ khóa bị bật ra.

Không những thế, T.D.T. (em trai S.) chiều 20/3 còn cố tình đăng bài trên mạng xã hội nói rằng không có chuyện phá khóa, không bỏ trốn khỏi cách ly mà “được bệnh viện cho về” sau khi đã đủ thời gian cách ly và đã được xét nghiệm âm tính. Sở Y tế sau đó đã đăng thông cáo và hình ảnh trích xuất camera khẳng định thông tin hoàn toàn không đúng sự thật, khiến T. phải xóa bài.

Hay hình ảnh “ngáo thượng đẳng” liên quan đến ca nhiễm Covid-19 ở phường 2, quận 8, TPHCM (bệnh nhân số 64), có 17 hộ thuộc diện cách ly tại chỗ. Một số hộ không yêu cầu phường cung cấp nhu yếu phẩm nhưng nếu nhà nước hỗ trợ thì họ nhận.

Chồng bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 35 đã phá khóa phòng cách ly trốn về nhà.

“Có 4 hộ yêu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm. Phường đã làm việc với các hộ này nhưng họ đòi nhiều thứ như… táo New Zealand, nho Mỹ trong khi quy định thì quận chỉ được cung cấp thực phẩm thiết yếu, tối đa 50.000 đồng”, Chủ tịch UBND quận 8 Trần Quang Thảo cho biết.

Giữa lúc Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, nhiều quốc gia phong tỏa toàn bộ đất nước, nhưng Việt Nam vẫn dang tay đón những người con từ phương xa trở về tránh dịch.

Bằng mọi nỗ lực, Chính phủ và các cơ quan chức năng, ban ngành đang gồng mình để lo cho người dân trong nước và đồng bào ở nước ngoài trở về. Điều đó cho thấy Tổ quốc không bỏ lại công dân phía sau, nhưng là công dân có trách nhiệm cũng phải có ý thức vì cộng đồng chung.

Không chấp nhận ai hoang tưởng về sự thượng đẳng khi trở về từ các nước phát triển và rồi chỉ biết hạch sách, đòi hỏi. Nếu đã trở về nước theo sự bao bọc của Tổ quốc, thì hãy là công dân có trách nhiệm, đừng ngồi lên đầu Tổ quốc.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều