+
Aa
-
like
comment

Tổ chức WHO mong muốn Việt Nam chia sẻ các nghiên cứu về Covid-19

Thành Nhân - 05/03/2020 15:04

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thư đề nghị Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) chia sẻ quy trình nghiên cứu, chế tạo và sản xuất bộ Kit phát hiện SARS-CoV-2 để cung cấp cho các phòng nghiên cứu khác trên thế giới.

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (bìa trái), trong một cuộc họp về phòng chống dịch bệnh do Covid-19 ở Bộ Y tế

Đây là thông tin được Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân Y chia sẻ tại cuộc họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2.

GS Quyết chia sẻ, sau khi nghiên cứu, chế tạo thành công bộ Kit, Học viện Quân Y đã gửi thông tin đến một tạp chí virus học nổi tiếng. Tạp chí này gửi thông tin sang WHO. Học viện Quân y sau đó nhận được thư của WHO đề nghị chia sẻ thông tin quy trình nghiên cứu, chế tạo bộ Kit này để chia sẻ với các phòng nghiên cứu trên thế giới. “Chúng tôi đã đồng ý với WHO”, GS Quyết chia sẻ.

Sáng nay, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2. Đây là bộ sinh phẩm đầu tiên được Bộ Y tế cho phép sản xuất đại trà bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 nhằm phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm đồng thời có thể xuất khẩu và hỗ trợ quốc tế trong việc phòng chống Covid-2.

Sáng 5/3, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) phát hiện nCoV do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Việt Á đảm nhiệm sau gần một tháng triển khai.

Sản phẩm là kết quả của đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus corona chủng mới (nCoV)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.

Xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc phải sớm có bộ kít phát hiện nCoV để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19, các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã nỗ lực làm việc không mệt mỏi, cả ngày nghỉ lẫn ban đêm. Sau một tháng, hai đơn vị đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kít real-time RT-PCR one step phát hiện nCoV.

Quá trình nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất theo quy trình hết sức nghiêm ngặt, bộ kít được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm (Labo) thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8. Bộ kít được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất.

PGS.TS Hồ Anh Sơn, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ về sản phẩm.
Trên tay PGS.TS Hồ Anh Sơn là bộ Kit phát hiện Sars Cov-2.

Các tiêu chí này cũng được kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đặc biệt, bộ kít được đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế đều cho kết quả chính xác tin cậy tại tất cả các thiết bị và tất cả các lần thử nghiệm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã khẳng định, bộ sinh phẩm được khuyến cáo sử dụng để phát hiện SARS-CoV-2.

Vào 16h chiều 3/3/2020, Hội đồng KH&CN cấp Quốc gia do Bộ trưởng Bộ KH&CN thành lập đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kít real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 8/8 (100%) thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kít real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.

Hôm qua (4/3/2020), Bộ Y tế đã có quyết định về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chuẩn đoán invitro xét nghiệm virus được cấp số đăng ký do Học Viện Quân Y và Công ty Cổ phàn Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19.

Năng lực sản xuất của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á khoảng 10.000 bộ kít/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. Như vậy, năng lực sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch bệnh Covid 19 bùng phát ở nhiều thế giới.

Việt Nam có thể sản xuất bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2 công suất 10.000 bộ/ngày

Bộ Kit sẽ hỗ trợ công tác sàng lọc các ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 với thời gian xét nghiệm, từ khi lấy mẫu, xử lý mẫu và chạy máy mất khoảng 2 tiếng. Giá sản phẩm từ 400-600 nghìn đồng.

Với việc sản xuất được bộ Kit phát hiện SARS-CoV-2, Việt Nam trở thành một trong số ít nước có thể sản xuất được sản phẩm này, bên cạnh Tổ chức Y tế Thế giới, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Mỹ.

Trước mắt, đề tài nghiên cứu sẽ sản xuất 20.000 sản phẩm phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Việt Á, công ty đã sản xuất 100.000 sản phẩm phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam

Trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, chia sẻ: “Chúng tôi xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc phải sớm có bộ kít phát hiện virus SARS-CoV-2 để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, nên đã chủ động vào cuộc, triển khai tất cả các hướng. Sau hơn 1 tháng miệt mài nghiên cứu không ngừng nghỉ, các nhà khoa học nỗ lực làm việc cả ngày lẫn đêm, đến hôm nay, 2 đơn vị đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kít”.

Theo ông Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH-CN), quá trình nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất theo quy trình hết sức nghiêm ngặt, bộ kít được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm (Labo) thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8. Bộ kít được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại tại Labo chuẩn thức của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và Học viện Quân y. Kết quả cho thấy, các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật của Mỹ (US CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sản xuất.

Kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm, tương thích với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế trong nước đều cho kết quả chính xác 100% ở tất cả các lần thử nghiệm. Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư khẳng định, bộ sinh phẩm được khuyến cáo sử dụng để phát hiện virus SARS-CoV-2. Thời gian phát hiện virus trong khoảng 2 tiếng.

Về khả năng thương mại hóa sản phẩm, ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, cho hay năng lực sản xuất của Việt Nam khoảng 10.000 bộ kít/ngày, với giá thành từ 400.000-600.000 đồng/bộ.

“Hiện nay, chúng tôi đã nhận được kha khá đơn đặt hàng của các đơn vị. Khi cần huy động, chúng tôi có thể tăng công suất lên 3 lần, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch bệnh Covid 19 bùng phát ở nhiều thế giới”, ông Việt nói.

Việt Nam xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khen ngợi nền y tế Việt Nam trong chống dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 15/2/2020

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19)…

WHO khẳng định Việt Nam đã thể hiện năng lực rất tốt trong việc xử lý các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện.

Theo WHO, đây là kết quả của nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi, bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ… theo như yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (IHR). WHO gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam và hiện nay là Covid-19.

WHO ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh do Covid-19 rất tốt. “Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch – tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành” – WHO nhấn mạnh

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều