+
Aa
-
like
comment

Tỉnh táo trước thủ đoạn “bình phán nhân sự” cấp cao của Đảng trước thềm Đại hội XIII

Quỳnh Quỳnh - 21/04/2020 12:38

Từ trước đến nay có không ít người tự nhận “chuyên gia”, bám víu lấy một lý lẽ, một viện dẫn nào đó để suy diễn chủ quan, tự cho mình quyền “phân tích, nhận định” bàn phán nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước rồi gài ý cá nhân, kích bác, bôi nhọ, chống phá đang là một vấn đề đáng quan ngại, nhất là mạng xã hội. Đặc biệt, trước mỗi kỳ Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các thế lực thù địch, phản động lại không ngừng đưa những thông tin bóp méo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Đánh vào tâm lý tò mò của người dân

Trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, những phần tử phản động, cơ hội ngày càng tăng cường các hoạt động chống phá. Nắm bắt được nhu cầu thông tin, sự tò mò của nhân dân về công tác chuẩn bị nhân sự, chúng đã tung lên mạng Internet đủ các loại thông tin bịa đặt, bôi nhọ, suy diễn, đồn đoán nhận định vô căn cứ về công tác cán bộ nhằm mục đích gây rối, làm nhiễu loạn thông tin, chia rẽ nội bộ và phá hoại sự thành công của Đại hội Đảng các cấp. Đặc biệt, chúng triệt để sử dụng Internet phát tán tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo.

Ngày 2/2/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tức thì, các trang mạng mạng rộ lên những bình phán về chuyện ai sẽ là Tổng bí thư, thủ tướng trong nhiệm kỳ tới… Rồi nhiều suy đoán cho rằng, làm như vậy ông Trần Quốc Vượng mới đủ tiêu chuẩn. Nhưng mặt khác, cũng có thể suy đoán, cơ hội của nhiều người khác cũng đang được mở rộng để cạnh tranh.

Các trang mạng mạng rộ lên những bình phán về chuyện ai sẽ là Tổng bí thư, thủ tướng trong nhiệm kỳ tới…

 

Câu chuyện bình bàn nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước ta thì trên mạng, trên các bàn tròn đã bắt đầu khởi xướng cách thời điểm diễn ra Đại hội Đảng XIII cả năm, thậm chí vài năm. Những cái tít hot như “ai sẽ là tổng bí thư, ai sẽ là thủ tướng” liên tục được đưa ra. Rồi đến lượt các vị “thánh phán” phân tích từng người mà họ cho là ứng cử viên, lần lượt bình luận ưu, khuyết từng ủy viên Bộ Chính trị khóa cũ, khóa mới. Những bình phán này có điểm khách quan, nhưng đa phần được các đối tượng thêm thắt, suy diễn chủ quan, gài lồng cả những thông tin, tài liệu chưa được kiểm chứng, tài liệu thật giả lẫn lộn, từ đó gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Đây là thủ đoạn lợi hại của các đối tượng.

Những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên được kẻ xấu thể hiện ở một số kiểu dạng như: xuyên tạc, sai sự thật về tình hình sức khỏe; moi móc, thêu dệt bí mật đời tư; bình phẩm, phán xét về trình độ, năng lực; xuyên tạc nhân phẩm, đạo đức, lối sống… Điều này khiến cho dư luận hiểu sai về trình độ, khả năng ứng xử của cán bộ, hiểu sai về đường lối đối ngoại của Việt Nam ta.

Sáng suốt trong việc chọn lọc và tiếp nhận thông tin

Chính vì thế, chúng ta cần nhận thức rõ thực chất của những việc làm trên vẫn là những chiêu trò cũ rích mà họ đã sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta trong các kỳ đại hội trước đây. Mục đích cuối cùng của những chiêu trò ấy mới nghe tưởng chỉ nhằm vào từng cá nhân đơn lẻ, nhưng xét cho cùng, vẫn là nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, hạ thấp uy tín lãnh tụ, uy tín cán bộ, đảng viên để chống phá chế độ, chống phá dân tộc ta.

Đa phần các đối tượng thêm thắt, suy diễn chủ quan, gài lồng cả những thông tin, tài liệu chưa được kiểm chứng, tài liệu thật giả lẫn lộn gây hoang mang.

Dù có tinh vi, thâm hiểm đến đâu chăng nữa, những chiêu trò ấy cũng không che giấu nổi tâm địa xấu xa của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội và càng không thể đánh lừa được dư luận. Bởi lẽ đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân ta luôn cảnh giác, bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt trong việc chọn lọc và tiếp nhận thông tin.

Thật ra, chuyện nhân sự thì ở bất kỳ cấp nào cũng gây sự tò mò. Ở cấp thôn, xã, ngay trước, trong, sau đại hội cũng ì xèo chuyện này, chuyện kia, người này nhóm này, người kia dây nọ và đương nhiên, trong những vấn đề đó cũng có thông tin đúng, thông tin sai, thông tin thật giả lẫn lộn. Trong ngõ thôn đã vậy thì ở tầm cấp cao của Đảng, Nhà nước, việc trọng đại ấy thu hút sự quan tâm của bàn dân thiên hạ cũng là lẽ thường. Việc bình luận, đánh giá khác nhau theo chủ ý của mỗi người cũng là điều dễ hiểu, theo cảm nhận và suy nghĩ riêng không ai giống ai. Đó là quan điểm và quyền của mỗi cá nhân.

Song, khi một cá nhân lên diễn đàn, lên đài, báo, mạng xã hội bình luận có tính quy chụp rồi đưa các thông tin thật giả lẫn lộn, thông tin có tính bôi nhọ, kích bác, đả phá, kêu gọi hành động chống lại tổ chức lại là vấn đề khác. Đó là hành động chống phá hoặc cổ súy, tiếp tay chống phá, gây nguy hại không chỉ với chính cá nhân mà còn ảnh hưởng đến uy tín, đến vị thế của Đảng, của Nhà nước và quốc gia. Đó là sự nguy hại trong âm mưu, hành động “diễn biến hòa bình” mà chúng ta cần nhận thức để tẩy chay, không để những kẻ viện cớ bình phán nhân sự cấp cao “quăng lưới” khiến ta mắc bẫy về nhận thức và hành động, gây hại đất nước.

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều