Tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam
Trong khi cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát nguồn lây lan dịch bệnh Covid-19 thì trên mạng xã hội, các đối tượng cơ hội chính trị lại không ngừng xuyên tạc, phát tán thông tin sai lệch. Tuy hình thức, thủ đoạn chống phá không mới, nhưng nó chẳng khác nào virus độc hại lan truyền, gây nên nhận thức lệch lạc trong một số bộ phận dư luận.
Một số trang tin, tổ chức không có thiện chí với Việt Nam đã đăng tải những bài viết xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực cố gắng trong công tác phòng chống dịch ở Việt Nam. Như trang mạng RFA rêu rao rằng, tiêm vaccine cho người dân là nghĩa vụ của Nhà nước, từ đó kích động kiều bào, người dân không tham gia đóng góp cho Quỹ vaccine. Bên cạnh đó, các đối tượng phản động cũng lợi dụng cuộc sống của người lao động nghèo trong giai đoạn giãn cách để tung tin bịa đặt, làm nghi hoặc, giảm sự chung tay, đồng lòng của người dân với các biện pháp phòng chống dịch mà chính quyền đang thực hiện. Thâm hiểm hơn, ngoài những thông tin méo mó kích động, chúng còn tung ra những video tin tức hay phỏng vấn ý kiến của những người lao động để bóp méo, vu khống rằng: Không thấy Nhà nước giúp dân; người nghèo không được hỗ trợ, mà có được hỗ trợ chỉ là cảnh dàn dựng mà thôi….
Cùng với các biện pháp cách ly phong tỏa thì vaccine vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo nên miễn dịch cộng đồng. Lợi dụng vào điều này, các thế lực thù địch rêu rao rằng: Ở các quốc gia phương tây, người dân được tiêm vaccine không phải trả tiền. Tuy nhiên, quan điểm này không hẳn là đúng, vì ở nước ngoài, phần lớn tiền chi phí cho sức khỏe là do các tập đoàn bảo hiểm chi trả, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, điều đó đồng nghĩa với việc người dân phải đóng một khoản tiền không nhỏ mỗi tháng cho các công ty bảo hiểm. Nếu so sánh với chi phí tiêm 2 liều vaccine thì lại quá nhỏ so với số tiền họ đã đóng hàng tháng. Trong khi đó, Việt Nam không chỉ tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân mà còn chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp điều trị Covid-19. Thế thử hỏi ở đâu chăm sóc tốt hơn?
Nỗ lực của Việt Nam không chỉ được người dân trong nước chứng kiến mà truyền thông nước ngoài cũng ghi nhận rất đầy đủ. Như tờ Sputnik dành rất nhiều lời khen từ chiến lược ngoại giao vaccine của Việt Nam. Hãng truyền thông công cộng quốc tế của Đức có nhận định, “Việt Nam tuyên chiến với Corona”. Hãng truyền thông uy tín này còn trích lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là một pháo đài phòng chống dịch”. Điều đó đã chạm tới trái tim người Việt Nam. Họ tự hào vì dân tộc. Họ sẵn sàng chịu đựng gian khổ, sát cánh cùng nhau vượt qua khủng hoảng.
Không cần đợi đến lời khen ngợi của truyền thống quốc tế, mà suốt 2 năm nay cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để chống dịch, với tinh thần không quản khó khăn, vất vả, nguy hiểm, nỗ lực hết mình làm việc ngày đêm, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, sống xa gia đình, người thân. Nhờ vậy, từng phần quà, túi thực phẩm, từng túi an sinh xã hội, từng khoản tiền hỗ trợ đã được trực tiếp, kịp thời chuyển đến mỗi gia đình, hộ dân.
Chính vì vậy, cần nhìn nhận rõ rằng, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 phía trước còn nhiều khó khăn, gian khổ và hiểm nguy, bên cạnh sự quyết liệt, khẩn trương hơn từ các lực lượng và sự đồng thuận của người dân thì chúng ta cũng phải luôn tỉnh táo, cảnh giác, lên án những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội.
Diệu Hương