Tĩnh tâm để vượt qua đại dịch
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 như cú đấm mạnh giáng vào nền kinh tế nước ta. Chuỗi sản xuất đứt gãy, doanh nghiệp kiệt sức, an sinh khó khăn. Các chỉ số thống kê kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm nay đã cho thấy rõ điều đó.
Cuối quý III, chiến lược chống Covid-19 thay đổi, Chính phủ xác định “sống chung an toàn với Covid”. Có thể khẳng định, đây là bước ngoặt trong tư duy phòng, chống dịch dựa trên những phân tích cơ sở khoa học khi đánh giá thực tiễn. Từ đó, những nhóm giải pháp cũng đang dần được thiết kế, để làm sao cả xã hội nhanh chóng thích ứng, chuyển sang trạng thái bình thường mới. Với mục tiêu chống dịch thành công không phải là không ghi nhận ca bệnh nào, mà là ghi nhận rất ít người nhập viện và rất ít người tử vong.
Các hoạt động kinh tế xã hội tiếp tục vận hành, phát triển trong cách thức tổ chức hợp lý để có thể sống chung với Covid-19. Phải khẳng định, không phải ngay lập tức đạt được trạng thái bình thường mới. Để sống chung với Covid-19, yếu tố đầu tiên phải nói đến là độ phủ vaccine. Trước mắt, tiến độ tiêm vaccine sẽ là yếu tố quyết định cho các kịch bản bình thường mới ở nước ta. Các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn dịch tễ đang được Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, ban hành là cơ sở cho tất cả các phương án tổ chức, sắp xếp hoạt động kinh tế – xã hội, từ giao thông vận tải đến tổ chức sản xuất tại các nhà máy, công trường, rồi các lĩnh vực giáo dục, kinh doanh, dịch vụ.
Chính phủ đang dốc sức chỉ đạo công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Không được chậm trễ trong quá trình chuyển đổi, thích ứng này.
Sốt ruột, nhưng không vì thế mà nóng vội. Mở cửa trở lại, khôi phục kinh tế là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Bài học về sự nóng vội với những hậu quả nặng nề về nhân mạng, kinh tế đã xảy ra ở nhiều nước, là điều nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi người chúng ta. Thấm điều này để có tâm thế, cách thức ứng xử phù hợp để cùng thống nhất nhận thức về sống chung, an toàn với Covid-19. Nóng vội, bức xúc, kích động chỉ làm mọi điều trở nên tồi tệ.
Đối mặt với đại dịch – biến cố chưa từng có tiền lệ, sẽ có những lúng túng, những hạn chế, yếu kém bộc lộ rõ. Nhưng trong nghịch cảnh, việc cần làm là bớt chỉ trích, đổ lỗi để tránh phân tâm, dồn sức phát huy trí tuệ, sáng kiến và cả sức lực để có những giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, đem lại năng lượng tích cực, tăng đề kháng của xã hội.
Đại dịch ảnh hưởng đến mỗi người, đầu tiên ở khía cạnh tâm lý. Trên thế giới, đã có những câu chuyện về những người tuyến đầu bị sang chấn tâm lý trước những thương vong quá lớn. Những lãnh đạo ngành, địa phương suy sụp, kiệt quệ cả thể chất và tinh thần vì áp lực công việc chống dịch; tâm lý người dân bất ổn. Những chuyện đó đã xảy ra, không ngoại lệ. Người lãnh đạo giữ tâm tĩnh để sáng suốt điều hành, không tránh né khó khăn, người dân tĩnh tâm để cùng chia sẻ, thấu hiểu mới có thể đồng tâm chống dịch. Tĩnh tâm là việc khó là việc mà mỗi người phải học lúc này để thích ứng.
Diệu Hương