+
Aa
-
like
comment

Tình nguyện viên kể chuyện thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19

22/03/2020 17:18

Một số tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đã bị sốt và tiêu chảy sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, nhưng các tác dụng phụ nhanh chóng biến mất.

Có những trường hợp bị sốt, tiêu chảy và hơi lo sợ, nhưng 108 tình nguyện viên tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đều tự hào khi là những người đầu tiên tại nước này được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để thử nghiệm, theo South China Morning Post ngày 22.3.

Thử nghiệm được tiến hành từ ngày 19.3, chỉ 3 ngày sau khi hãng CanSino Biologics được cơ quan chức năng bật đèn xanh.

Những người tình nguyện từ 18-60 tuổi là người khỏe mạnh, được chia thành 3 nhóm, thử nghiệm theo liều thấp, vừa và cao tại một cơ sở ở Vũ Hán được cảnh sát vũ trang canh giữ nghiêm ngặt.

Một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin COVID-19 tại Trung Quốc /// Ảnh chụp màn hình SCMP
Một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin COVID-19 tại Trung Quốc

Sau khi được tiêm vắc xin, họ được cách ly 14 ngày và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe. Một số tình nguyện viên còn lên mạng xã hội chia sẻ trải nghiệm của họ.

Tình nguyện viên Tiểu Mễ chia sẻ rằng cô “ngây thơ và không lo sợ” khi đăng ký, trước khi đọc các thông tin trên mạng về tác dụng phụ như dị ứng, dù đó có thể chỉ là điều tồi tệ nhất.

“Hai người trong nhóm tôi có thân nhiệt tăng lên 38 độ C và một số bị tiêu chảy”, cô kể và cho biết các tác dụng phụ qua đi khá nhanh.

Quan trọng hơn, Tiểu Mễ cảm thấy cô đã góp phần cho xã hội. “Tôi cảm thấy tôi có thể chịu đựng những hậu quả. Tôi muốn một lần vượt qua suy nghĩ vì lợi ích cá nhân của một người bình thường”, cô chia sẻ.

Một tình nguyện viên khác là Lý Minh có vợ là Vương Phượng vừa hồi phục sau khi mắc COVID-19 nhẹ.

“Từ những triệu chứng ban đầu cho đến giờ, tôi trải qua nhiều khó khăn để được chẩn đoán và điều trị. Chồng tôi đã đồng hành cùng tôi và hoàn toàn hiểu nỗi khó khăn của một bệnh nhân”, bà Vương kể.

Hiện nhiều nước đang phát triển vắc xin ngừa COVID-19 nhằm ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, giáo sư Roy Hall tại Đại học Queensland (Úc) cho rằng ngay cả khi tăng tốc bào chế, vẫn cần thời gian trước khi vắc xin sẵn sàng được sản xuất hàng loạt.

“Sản phẩm có thể sẽ có trong vòng 6-9 tháng kể từ khi thử nghiệm lâm sàng. Do đó, có thể sẽ có vắc xin COVID-19 trong vòng 1 năm sau khi phát hiện bệnh dịch và đây là một thành tựu đáng kể”, ông dự báo.

Khánh An/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều