Tính mạng của người dân còn chần chừ đến bao giờ?
Dịch bệnh Covid-19 đang trở lại làm dấy lên nỗi sợ hãi về cơn ác mộng thiệt hại về người. Thế nhưng, dịch có thể đến rồi đi nhưng có một thứ đáng sợ hơn cướp đi sinh mạng người dân mỗi ngày. 17 người bước chân ra khỏi nhà buổi sáng nhưng tối không thể trở về nhà…
Chỉ tiếng riêng trong 11 tháng năm 2022, toàn quốc xảy ra 10.323 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.800 người, bị thương 6.973 người. So với 11 tháng của năm 2021, tai nạn giao thông tăng 170 vụ (tăng 1,67%), tăng 656 người chết (tăng 12,75%), giảm 88 người bị thương (giảm 1,25%). Bình quân mỗi ngày có 17 người chết vì tai nạn giao thông. Đây là những con số đáng báo động về tình trạng tai nạn giao thông của Việt Nam cũng như tính mạng của mỗi người dân.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông thường có nhiều nhưng chủ yếu là do sự phân bố không hợp lý của hệ thống biển báo giao thông; Sự xuống cấp trầm trọng của các tuyến đường nói riêng và hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung; Ý thức chấp hành luật giao thông của người dân còn thấp; Thiếu kiến thức cũng như kỹ năng khi tham gia giao thông, xử lý tình huống bất ngờ.
Mà tất cả những nguyên nhân trên đều xuất phát từ việc thiếu chế tài của pháp luật. Sau 15 năm ban hành Luật giao thông đường bộ đang thiếu tính cụ thể, chưa sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác thực hiện; không quy định đầy đủ… Điều này đã được nói đến và nói rất nhiều!
Đơn cử như việc không ít người dân từng khó chịu với những đèn hiệu giao thông, những biển báo tốc độ được đặt liên tiếp trên một con đường mà không theo một nguyên lý hay logic nào. Chạy vài trăm mét phải giảm tốc độ, phải dừng đèn đỏ. Cũng có không ít CSGT lợi dụng việc người dân chưa “thích nghi” kịp với các biển báo để xử phạt hành chính. Hay vấn nạn Bộ Công an xử lý người vi phạm giao thông bằng cách giữ bằng lái xe thì người dân lại sang Bộ Giao thông Vận tải xin cấp lại với lý do bị mất.
Trong bối cảnh ấy dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ ra đời. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thể hiện sự quan tâm và quyết tâm giải quyết triệt để, mạnh mẽ hơn trật tự, an toàn giao thông đường bộ – một trong những vấn đề nổi cộm và gay gắt hiện nay. Trong đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông. Đây là điều cần được ghi nhận vì mục tiêu và lợi ích tốt đẹp cho người dân và xã hội.
Từ đó có thể thấy, nếu dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua thì việc thiết lập hệ thống đèn hiệu, biển báo sẽ được chuyển từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Quy trình thiết lập sẽ được tính toán kỹ lưỡng, hợp lý hơn, tương lai người dân cũng sẽ hạn chế bị phạt oan.
Quan trọng hơn nữa là quy trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm về những vụ tai nạn giao thông thảm khốc ngoài những yếu tố khách quan. Như hiện nay thì Bộ Công an đổ lỗi Bộ Giao thông Vận tải và ngược lại. Cha chung không ai khóc nhưng tang thương và mất mát là điều hiện hữu.
Ngày 10/4 vừa qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT đường bộ) và Luật đường bộ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Hy vọng, Bộ luật sớm được thông qua để tính mạng người dân được bảo vệ tốt hơn! Quá gấp rồi không thể chờ đợi hơn nữa!
Công Luân