Tình hình thực địa gần khu vực Bãi Tư Chính – Vũng Mây
Theo thông tin được truyền thông quốc tế loan tải, các trung tâm nghiên cứu của Mỹ những ngày qua đã theo dõi về các diễn biến phức tạp ở Biển Đông.
Reuters ngày 17.7 dẫn tin từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và Trung tâm nghiên cứu quốc phòng (C4ADS) của Mỹ cho hay nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc vào ngày 15.7 đã kết thúc 12 ngày hoạt động ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Hải Dương Địa chất 8 là tàu thuộc sở hữu của Cơ quan khảo sát địa chất Trung Quốc (CGS), cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc.
Cụ thể, từ ngày 3.7 đến ngày 15.7, tàu thăm dò địa chất Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã đi vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần khu vực Bãi Tư Chính – Vũng Mây, do Việt Nam quản lý. Đi theo bảo vệ tàu này có ít nhất 3 tàu hải giám, trong đó có tàu trên 10.000 tấn mang số hiệu 3901 và tàu dân quân biển Quong Sansah Yu0014.
Cùng thời gian này, 9 tàu cảnh sát biển Việt Nam cũng có mặt tại khu vực, thực hiện các hoạt động theo dõi, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, theo dữ liệu từ dự án phân tích Winward Maritime được C4ADS dẫn lại.
Tuy nhiên, theo những thông tin được đăng tải trên Twitter của chuyên gia Ryan Martison (Đại học Hải chiến Mỹ), nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc đến ngày 19.7 vẫn còn hoạt động tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam chứ chưa hề rời đi. Vào ngày 18.7, chuyên gia này cho biết tại đây có thêm sự xuất hiện của tàu Qiongsanshayu 00122 của Trung Quốc.
Ngoài hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 8, CSIS còn theo dõi sự xuất hiện của tàu cảnh sát biển 35111 của Trung Quốc được vũ trang hạng nặng. Reuters dẫn tin từ CSIS mô tả tàu 35111 đã có hành động “có tính đe dọa” đối với tàu Việt Nam lúc đang hỗ trợ giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam.
Chuyên gia Martison cho biết từ ngày 18.6, tàu 35111 đã xuất hiện cách Bãi Tư Chính khoảng 40 hải lý về phía tây. Vào ngày 12.7, tàu này đi từ khu vực Bãi Tư Chính về Đá Chữ Thập (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo), có thể là để tiếp liệu và sau đó quay lại vị trí tại Bãi Tư Chính vào ngày 14.7. Theo chuyên gia này, tàu 35111 không trực tiếp tham gia hộ tống tàu Hải Dương Địa chất 8 nhưng cũng đã hiện diện tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong nhiều ngày.
Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 18.7, phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen ở bang Colorado (Mỹ), đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đã chỉ trích gay gắt các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, theo South China Morning Post.
Ông Davidson nêu ra việc quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm việc Bắc Kinh phóng 6 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông. Đô đốc Mỹ cũng chỉ trích tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6.
Trước đó vài ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2015 là không quân sự hóa Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Washington cực lực phản đối ý đồ của Bắc Kinh nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp ở khu vực. “Việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông đi ngược lại cam kết năm 2015 của Chủ tịch Tập là không tiến hành những hoạt động như thế. Đó là hành động khiêu khích, làm phức tạp quá trình giải quyết hòa bình các tranh chấp, đe dọa an ninh của những quốc gia khác và làm tổn hại an ninh khu vực”, bà Ortagus cảnh báo.
(Theo Thanh Niên)