Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế – Việc không thể trì hoãn
Rà soát, đánh giá kỹ và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1156/TTg-TCCV, về dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Câu chuyện tinh giản biên chế mặc dù đã được đề cập rất nhiều lần với nhiều giải pháp được đưa ra, được thực hiện từ rất lâu. Và các bộ, ngành, địa phương cũng đã thực hiện khá quyết liệt việc tinh giản biên chế. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước đã tinh giản được hơn 684.000 người là đối tượng hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Kết quả tinh giản biên chế hiện đã vượt mục tiêu 10% đề ra cho giai đoạn 2015 – 2021. Thế nhưng, nhìn tổng thể, việc tinh giản biên chế chưa đem lại hiệu quả như mong muốn; vẫn còn tình trạng “siết chỗ nọ, phình chỗ kia”; một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng, thiếu nghiêm túc trong đánh giá, phân loại cán bộ công chức viên chức, để đưa ra khỏi bộ máy những người năng lực hạn chế, yếu kém. Và tinh giản biên chế tuy vượt chỉ tiêu, song chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao quan điểm về việc tinh gọn bộ máy, giản đầu mối, tinh giản biên chế được thống nhất rất cao nhưng kết quả thực hiện lại rất hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra? Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ tổ chức, sắp xếp bộ máy là vấn đề lớn, không mới nhưng nhạy cảm, đụng chạm lợi ích của tổ chức, cá nhân nên không dễ thực hiện. Và chính người đứng đầu Chính phủ cũng đã khẳng định, “việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì liên quan đến con người và lợi ích, vì thế phải nghiên cứu kỹ, cân nhắc nhiều mặt, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, ý kiến phản biện, thảo luận kỹ lưỡng, xem xét toàn diện để có quyết định đúng đắn, phù hợp, hiệu quả”. Bên cạnh đó, chúng ta chưa xây dựng, chưa hình dung, thiết kế được được mô hình tổng thể về mặt tổ chức của cả hệ thống chính trị…
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu: Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, tới thời điểm này hàng loạt chỉ đạo về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đang được Chính phủ ráo riết thực hiện.
Việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là điều không thể trì hoãn, bởi cho tới thời điểm này, bộ máy hành chính cồng kềnh đang tiêu tới 2/3 ngân sách và lạm cả vào khoản đầu tư cho phát triển. Để thực hiện những công việc trên, đòi hỏi các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan đảng, nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có dũng khí và quyết tâm chính trị lớn, kiên quyết gạt bỏ những lợi ích bộ phận vì mục tiêu chung là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Diệu Hương