+
Aa
-
like
comment

Tỉnh duy nhất Việt Nam quy tụ 5 ông lớn công nghệ, hút vốn FDI lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD

Bích Vân - 22/12/2023 15:48

Hai năm trở lại đây, Nghệ An từ một “vùng trũng” về thu hút đầu tư, đã bất ngờ vươn lên là “ngôi sao sáng”, lọt top 10 về dòng vốn FDI, trở thành điểm đến mới cho các đại bàng công nghệ.

Tính đến ngày 18/12/2023, vốn FDI đăng ký vào tỉnh Nghệ An đạt hơn 1,48 tỷ USD (chính xác là 1.480,57 triệu USD), đứng thứ 9 cả nước. Cụ thể, tỉnh này có 17 dự án cấp mới với 1.203,38 triệu USD và 11 dự án điều chỉnh tăng vốn với 271,17 triệu USD trong khu kinh tế và các khu công nghiệp; cùng 01 dự án cấp mới với 4,2 triệu USD và 01 dự án điều chỉnh với 1,82 triệu USD ở ngoài khu kinh tế và các khu công nghiệp.

Đáng chú ý, 5 ông lớn công nghệ Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và Juteng đã rót hơn 1,3 tỷ USD vào tỉnh, dự kiến tạo ra hơn 86.000 việc làm. Những con số này cho thấy Nghệ An đã trở thành “điểm sáng” trong thu hút nguồn vốn FDI của cả nước.

Từ năm 2019, tỉnh miền Trung này đã bắt đầu thực hiện sách lược “5 sẵn sàng” để nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư lớn, và đã ra “trái ngọt” kể từ năm 2022, khi Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.

Tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” diễn ra tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung từng nói: “Nghệ An sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng “Một cửa tại chỗ”, “Một đầu mối”, nhất là thủ tục đầu tư vào KKT, các KCN được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi”.

Nội dung đầu tiên và quan trọng hơn cả trong “5 sách lược” nói trên là công tác quy hoạch. Tỉnh này đã lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040. Đồng thời, tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam (với việc điều chỉnh diện tích từ 20.776,47 ha; định hướng mở rộng lên trên 105.000 ha), đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.

Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến mặt bằng, quỹ đất thu hút đầu tư cũng được tỉnh đẩy mạnh. Minh chứng điển hình là Khu công nghiệp Thọ Lộc quy mô 500ha, Khu công nghiệp Hoàng Mai II quy mô trên 300ha đang được đầu tư bởi các nhà đầu tư “tên tuổi” trong lĩnh vực kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong nước và quốc tế. Từ đó, các khu công nghiệp này sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về mặt bằng, quỹ đất thu hút đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp đến tìm hiểu và đầu tư.

Song song với đó, cơ sở hạ tầng của Nghệ An phát triển mạnh những năm gần đây. Một số tuyến đường giao thông trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tiêu biểu là tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Hay việc dự kiến mở rộng cảng nước sâu Cửa Lò với quy mô 3 bến, diện tích sử dụng đất khu hậu phương cảng là 32ha, tổng vốn đầu tư khoảng 6.949 tỷ đồng; thực hiện mở rộng, cải tạo sân đỗ máy bay – Cảng HKQT Vinh.

Tỉnh có sự chuẩn bị “dài hơi” về nguồn nhân lực. Với lợi thế hơn 1,6 triệu người lao động, đưa vào thị trường khoảng 45.000 người mỗi năm, với hơn 30.000 nhân lực đã qua đào tạo; cùng 17 trường đại học và cao đẳng, 70 cơ sở đào tạo nghề, tỉnh sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp nước ngoài. Nghệ An cũng đưa ra các chính sách đào tạo tập trung vào kiến thức chuyên sâu, tay nghề cao, tính chuyên nghiệp và kỹ năng ngoại ngữ.

Sách lược cuối cùng mà Nghệ An áp dụng là tập trung đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, sẵn sàng đồng hành, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các khó khăn vướng mắc. Đáng chú ý nhất là trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. Điển hình là việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc) chỉ trong 5 ngày, giảm gần 1/3 so với quy định.

Thực tế, Nghệ An không thuộc nhóm các địa phương thu hút vốn FDI số 1 về quy mô nhưng là tỉnh duy nhất quy tụ đủ 5 ông lớn công nghệ Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và JuTeng. Để làm được điều này, Nghệ An đã lên định hướng chiến lược chọn lọc dòng vốn FDI, ưu tiên dòng vốn chất lượng cao.

Hiện nay, tỉnh đặt mục tiêu thu hút đầu tư hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ngay từ đầu trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh tập trung vào các đối tác, lĩnh vực có định hướng; với hướng triển khai có trọng tâm, không dàn trải, lồng ghép triệt để vào các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại và du lịch.

Sự đa dạng của ngành công nghiệp cùng các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm, giúp Nghệ An trở thành “mảnh đất lành” cho một loạt các doanh nghiệp nước ngoài lớn kéo về làm tổ.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều