+
Aa
-
like
comment

Tình cảnh khốn khổ đến cùng cực tại Sri Lanka

Bảo Trâm - 26/05/2022 16:15

“Chúng tôi sắp chết đói” chính là câu nói mà hầu hết người dân Sri Lanka thốt lên mỗi khi được bất kỳ người nào hỏi đến. Vỡ nợ, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nhiên liệu… đang đẩy người dân Sri Lanka đến tận cùng khốn khổ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến ngành du lịch, giá dầu tăng và chính sách giảm thuế theo chủ nghĩa dân túy của chính phủ Tổng thống Rajapaksa.

Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng của Sri Lanka trong tháng 4/2022 đã tăng 33,8%, tăng cao hơn 6 lần so với mức lạm phát 5,5% của cùng kỳ năm trước. Riêng lạm phát giá thực phẩm ở mức 45,1%.
Dự báo lạm phát sẽ còn tăng trong tháng Năm này do giá xăng đã tăng tới 35%, trong khi dầu diesel tăng 65%.

Sri Lanka đang đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men trong khi lạm phát cao kỷ lục và không đủ điện sử dụng. Cuộc sống người dân khó khăn dẫn tới những bất ổn chính trị và xã hội leo thang.

Người dân Sri Lanka tranh nhau mua lương thực

“Kể về cuộc sống đang khó khăn thế nào không giúp ích gì lúc này. Tôi không thể dự báo mọi thứ sẽ thế nào trong 2 tháng tới. Với tình hình hiện tại, chúng tôi có thể sẽ không còn có thể sống sót ở đây nữa”, A.P.D. Sumanavathi, 60 tuổi, bán hoa quả và rau tại chợ Pettah, thủ đô Colombo, chia sẻ với Guardian.

Khủng hoảng lương thực

Trang Guardian đưa tin, từ tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa quyết định cấm nhập khẩu và sử dụng các loại phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, đồng thời yêu cầu 2 triệu nông dân chuyển sang canh tác hữu cơ.

Có nhiều tuyên bố cho rằng phương pháp hữu cơ có thể cho ra năng suất tương đương với nông nghiệp thông thường, nhưng sản lượng gạo của Sri Lanka đã sụt giảm 20% trong chỉ trong vòng 6 tháng đầu tiên.

Điều này dấy lên mối nguy hiểm, rằng cuộc khủng hoảng lương thực khi quốc đảo này đang chìm trong khủng hoảng kinh tế đồng thời thề rằng chính phủ sẽ mua đủ phân bón cho vụ mùa tiếp theo.

“Không đủ thời gian để có đủ phân bón cho vụ mùa Yala (từ tháng 5 đến tháng 8), chính phủ đang cố gắng đảm bảo nguồn cung cho vụ mùa Maha (tháng 9 tới tháng 3)”, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe viết trên Twitter. “Tôi chân thành kêu gọi mọi người chấp nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay”.

Thiếu gas, thiếu thuốc… thiếu đủ thứ

Nội tệ lao dốc và khủng hoảng kinh tế đang khiến nước này thiếu ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu lương thực, nhiên liệu. Tháng trước, họ tuyên bố ngừng trả nợ quốc tế để dành tiền nhập nhu yếu phẩm. Hoạt động kinh tế tại quốc đảo này đã gần như dừng lại.

Tình cảnh hàng nghìn người Sri Lanka xếp hàng dài mua xăng, khí đốt đã xảy ra từ cả tháng nay với mục đích níu chút hy vọng trước cuộc khủng hoảng tàn khốc hơn có thể sẽ xảy ra trong những ngày tới.

Chỉ vỏn vẹn ít ngày, giá gas đã tăng vọt từ 2.675 rupee lên 5.000 rupee, và chắc chắn giá gas sẽ chẳng thể nào dừng lại. Những người dân Sri Lanka mệt mỏi khi phải xếp hàng trong vô vọng nhiều ngày liền.

Người dân xếp hàng mua gas

“Không có gas, không có dầu hỏa, chúng tôi không thể làm được gì. Lựa chọn cuối cùng là gì? Không có thực phẩm, chúng tôi sẽ chết. Điều đó 100% sẽ xảy ra”. Mohammad Shazly, tài xế bán thời gian nói. Anh đã xếp hàng ngày thứ ba với hy vọng mua được gas về nấu ăn cho gia đình 5 người của mình.

Thuốc giờ đây cũng trở thành mặt hàng xa xỉ mà không phải bất kỳ người dân Sri Lanka nào muốn là có thể mua được.

Hiện tại, Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ. Họ cũng đang đàm phán tái cấu trúc nợ với các chủ nợ. Trước đó, quốc gia này tuyên bố cần 3 – 4 tỷ USD năm nay để thoát khủng hoảng.

Việc tái cấu trúc có thể kéo dài 6 tháng. Tuy nhiên, tình hình hiện tại khiến việc dự báo chính xác mốc thời gian giúp Sri Lanka nói chung, người dân Sri Lanka nói riêng thoát khỏi tình trạng khốn khổ hiện tại là rất khó…

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều