+
Aa
-
like
comment

Tình báo viên Vũ “nhôm”hoạt động trên địa bàn như thế nào ?

04/01/2020 11:49

Cựu chủ tịch UBND Đà Nẵng Trần Văn Minh đã khai trước tòa về việc được Bộ Công an giới thiệu, đề nghị tạo điều kiện cho tình báo viên Vũ “nhôm” hoạt động trên địa bàn.

Trong phiên xử chiều 3/1, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã trả lời các câu hỏi của HĐXX liên quan đến các công văn đã ký cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) được mua nhà đất công sản giá rẻ.

Nói về 22 nhà đất công sản và 7 dự án bất động sản đã được chuyển nhượng, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh thừa nhận đã ký các công văn xoay quanh nội dung giảm 10% tiền sử dụng đất khi nộp một lần trong 30 hoặc 60 ngày.

Ông thừa nhận cũng ký các văn bản cho chuyển đổi tên người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đã hoàn thành nghĩa vụ, chính sách với thành phố. Hai nội dung này căn cứ Nghị định 38/2000 về việc cho phép nộp một lần được giảm 20%. “Như vậy vẫn lời cho ngân sách Nhà nước”, ông nói.

Chủ toạ truy vấn: “Bị cáo có biết kết luận của cơ quan giám định cho rằng bị cáo ban hành những văn bản này trái luật không?”.

Ông Minh cho hay, khi đọc cáo trạng nghĩ rằng việc mới xảy ra song thực tế đã trên 10 năm và vụ việc đã được các cơ quan Trung ương kiểm tra, Bộ Chính trị xem xét và nhận định Đà Nẵng sáng tạo, đạt hiệu quả cao nên ra thông báo không xem xét xử lý kỷ luật với tập thể ban cán sự đảng UBND Đà Nẵng nhiệm kỳ 2005-2010 và 2011-2015.

Với 7 dự án bất động sản bị cáo buộc còn lại, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng rơi vào trường hợp đất chưa được giải phóng mặt bằng thì không đưa ra đấu giá.

Bị cáo Trần Văn Minh.

Thành phố cũng đưa ra mô hình thử đấu giá khi đất chưa được giải phóng mặt bằng nhưng không có kết quả. Bộ Tài chính lúc đó cũng cho rằng nên đổi phương thức chứ áp dụng chính sách đó thì Đà Nẵng “không có tiền nộp ngân sách”.

Trước câu hỏi, ai là người quyết định chuyển nhượng và giao các dự án, nhà đất công sản?, bị cáo Trần Văn Minh trả lời, mình quyết định cuối cùng với vai trò là Chủ tịch UBND thành phố.

Tuy nhiên chủ trương chuyển giao này đã có từ thời Bí thư Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch Hoàng Tuấn Anh, đến thời ông chỉ là “kế thừa thực hiện”.

Về dự án công viên An Đồn, ông Minh khẳng định chuyển nhượng khu đất này cho công ty của Vũ “nhôm” không qua hình thức đấu giá cũng đúng theo quy định.

Trước câu trả lời trên, chủ tọa truy vấn: “Quy định ở đâu?”, Ông Minh nói công ty của Vũ “nhôm” có đặc thù là công ty bình phong của Bộ Công an, hoạt động được quy định theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ.

Khi đó Bộ Công an có công văn đề nghị địa phương tạo điều kiện cho công ty Vũ “nhôm” được mua để phục vụ hoạt động ngành. “Công văn của Bộ Công an có phải là quyết định bắt buộc chuyển nhượng không?”, chủ tọa hỏi tiếp.

Trong phần trả lời thẩm vấn, ông Minh hơn hai lần khẳng định công văn của Bộ Công an là “quyết định bắt buộc phải thực hiện”.

“Khi bị cáo là Chủ tịch UBND thành phố được Bộ Công an giới thiệu Vũ là tình báo viên hoạt động trên địa bàn, Chủ tịch Đà Nẵng phải tạo điều kiện để tình báo viên hoạt động”, ông Minh nói.

Đối với các nhà đất công sản còn lại, ông Minh cũng khẳng định đúng theo quy định pháp luật.

Về lời khai của bị cáo Huỳnh Tấn Lộc (cựu TGĐ Công ty công nghệ phẩm Đà Nẵng) rằng, ông Trần Văn Minh có gọi điện cho ông Lộc nói “cái nào không dùng thì bán cho Vũ, là giám đốc công ty của Bộ Công an”, bị cáo Minh nói “rất ngỡ ngàng” về lời khai này.

“Tôi cũng chả điện thoại gì việc này”, ông Minh trả lời.

Trước đó, cáo trạng cáo buộc, bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011) đã ký ban hành các văn bản pháp lý, chỉ đạo chủ trương quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đối với việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất công sản và quản lý nhà nước về đất đai.

Tại 7 dự án bất động sản chuyển nhượng cho Phan Văn Anh Vũ, hành vi của ông Minh cùng các đồng phạm gây thiệt hại 19.625 tỷ đồng.

Tại các nhà, đất công sản, dù không thuộc diện được mua chỉ định, nhưng Vũ đã lợi dụng những văn bản pháp lý của UBND TP Đà Nẵng do bị cáo Minh ký ban hành trái pháp luật để đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lợi…, gây thiệt hại hơn 2.180 tỷ đồng.

Hoàng Đan/TTT

Bài mới
Đọc nhiều