+
Aa
-
like
comment

Tình báo và cuộc săn lùng vaccine ngừa COVID-19

22/05/2020 15:37

Sau cơn hoảng loạn ứng phó khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các quốc gia trên thế giới lại lao vào cuộc đua nghiên cứu chế tạo vaccine ngừa SARS-CoV-2 cũng như phương thuốc đặc hiệu để điều trị COVID-19. Trong cuộc đua này, quốc gia nào chế tạo thành công vaccine và thuốc điều trị trước nhất sẽ nắm thế thượng phong.

Cuộc săn lùng nghẹt thở

Trong cuộc đua tranh ấy, các cơ quan tình báo hoàn toàn không thể đứng ngoài cuộc, mà ngược lại vai trò của họ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tình báo thế giới đã đi từ vai trò tham gia chống dịch ban đầu sang vai trò mới, không chỉ bảo vệ các bí mật quốc gia trong công tác nghiên cứu vaccine phòng SARS-CoV-2, mà còn tìm cách săn lùng các bí mật nghiên cứu vaccine của các nước khác, miễn là phục vụ lợi ích quốc gia mình.

Nắm thông tin về nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 đã trở thành mục tiêu của tình báo thế giới.

Ngày 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chi tiết chương trình nghiên cứu vaccine ngừa SARS-CoV-2 mang tên Chiến dịch WARP SPEED. Chương trình nghiên cứu này đã được Chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai từ tháng 3/2020.

Tổng thống Trump cho biết, Chiến dịch WARP SPEED là chương trình được thiết kế quy mô lớn và phải được triển khai nhanh nhằm sớm tìm ra vaccine, giúp nước Mỹ có thể chiếm thế thượng phong trong cuộc đua toàn cầu. Đây có thể được xem là chương trình nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới, quy tụ nhiều phòng thí nghiệm cao cấp của các trường đại học uy tín và danh tiếng nhất thế giới, các công ty dược, công nghệ sinh học hàng đầu.

Chính vì tầm quan trọng và quy mô của Chiến dịch WARP SPEED mà các cơ quan an ninh, phản gián của nước Mỹ thường xuyên quan tâm “canh giữ” và cảnh báo các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu phải thường xuyên cảnh giác trước nguy cơ rình rập của gián điệp nước ngoài, đặc biệt là các trường hợp xâm nhập mạng máy tính của các tin tặc gián điệp.

Bill Evanina, giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC) thuộc Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (ODNI) nói với đài BBC của Anh rằng NCSC đã liên hệ với tất cả các cơ quan nghiên cứu y sinh học đang nghiên cứu về COVID-19 để đưa ra lời cảnh báo đề phòng cảnh giác.

Nỗ lực của tình báo, an ninh Mỹ xuất phát từ hiện tượng gia tăng các vụ đột nhập, tấn công mạng và lấy cắp dữ liệu nhằm mục đích tìm kiếm ưu thế trong đại dịch. NCSC cảnh báo rằng, Trung Quốc đang tìm kiếm “tài sản trí tuệ và dữ liệu y tế công cộng thông qua phương tiện bí mật liên quan đến vaccine, thuốc điều trị và xét nghiệm COVID-19”.

Từ trước đến nay, Trung Quốc thường bị các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc cài người xâm nhập vào các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc đột nhập qua đường mạng Internet để lấy trộm thông tin, dữ liệu khoa học.

Hành động thường do thành phần “phi truyền thống” bao gồm các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên người Trung Quốc làm việc và học tập trên đất Mỹ. Họ được cơ quan phản gián Mỹ đưa vào nhóm đối tượng tình nghi lấy trộm dữ liệu từ các viện, trường và các phòng thí nghiệm tư nhân. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Mỹ và phương Tây lại làm ầm lên về những “nguy cơ” đột nhập của tình báo mạng Trung Quốc liên quan đến đại dịch COVID-19. Cách phổ biến nhất hiện nay là đột nhập mạng Internet để lấy trộm dữ liệu.

Sinh viên Trung Quốc ở Chicago bị FBI bắt vì nghi làm gián điệp.

Việc chính quyền Mỹ cáo buộc các nhóm tin tặc, các đơn vị tình báo mạng của Trung Quốc tìm cách đột nhập lấy trộm dữ liệu nghiên cứu COVID-19 được xem là một phần trong chiến lược an ninh chung của Mỹ trong cuộc chiến tình báo chống Trung Quốc.

Từ cách đây 2 năm, Mỹ đã thông qua luật gia tăng quyền hạn cho Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và Bộ chỉ huy tình báo mạng (USCC) để 2 cơ quan này được phép xâm nhập sâu vào các mạng máy tính của các cơ quan Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác để thực hiện các đòn tấn công mạng đáp trả.

Trong khi đó, tình báo Anh cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đột nhập lấy trộm dữ liệu nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 từ các quốc gia được xem là “thù địch”. Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC Anh) cho rằng các cơ quan y tế, công ty dược phẩm, học viện, tổ chức nghiên cứu y tế và chính quyền địa phương là những mục tiêu nhắm đến của tình báo đối phương. Và những cuộc tấn công mạng như thế đang ngày càng gia tăng.

Chương trình nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 ở Anh cũng diễn ra quyết liệt, và nguy cơ bị tấn công cũng không nhỏ. Đại học Oxford, nơi đang triển khai một trong những dự án nghiên cứu hàng đầu thế giới gần đây đã tiến hành thử nghiệm trên người, cho biết hiện đang phối hợp với NCSC Anh để triển khai phương án bảo vệ công trình nghiên cứu.

Bên cạnh đó, Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca cũng đang hợp tác với Đại học Oxford để sản xuất và phân phối vaccine nếu các thực nghiệm lâm sàng cho kết quả tốt.

NCSC Anh cho biết hàng chục trường đại học và viện nghiên cứu có bộ phận nghiên cứu về COVID-19 đang trở thành mục tiêu tấn công, với các đối tượng lấy cắp bao gồm phác đồ chẩn đoán mới, các sinh phẩm xét nghiệm, kháng thể mới và thuốc điều trị thử nghiệm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có cuộc tấn công nào được ghi nhận thành công.

Nếu như Mỹ cáo buộc tình báo Trung Quốc thì Anh nhắm vào Iran và Nga. Các tin tặc Iran được cho là đã bị phát hiện khi đang cố xâm nhập vào công ty Gilead Sciences, nhà sản xuất thuốc remdesivir dùng điều trị COVID-19. Chính phủ Mỹ xác nhận chưa có vụ tấn công nào thành công.

Tuy nhiên, ở các lĩnh vực khác thì có vẻ những vụ tấn công bị nghi ngờ xuất phát từ Iran đã thành công. Đầu tháng 5/2020, các cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Israel đã có cuộc họp bí mật nhằm đánh giá tổn thất do vụ tấn công mạng xảy ra vào ngày 24 và 25/4, khiến cho nguồn nước cung cấp cho vùng nông thôn Israel bị gián đoạn.

Truyền thông Israel đổ lỗi cho tình báo Iran gây ra mặc dù không có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng vội vàng đổ lỗi cho Iran có thể dẫn đến sai lầm. Người ta nhắc lại vụ việc một nhà máy lọc hóa dầu của Saudi Arabia bị tấn công theo kiểu tương tự vào năm 2017, lúc đó Iran cũng bị quy cho là nguồn xuất phát vụ tấn công. Tuy nhiên, rốt cuộc các chuyên gia an ninh mạng đã truy ra nguồn gốc tấn công xuất phát từ một viện nghiên cứu khoa học ở nước khác.

Đại dịch tạo ra loạt mục tiêu mới

Mỹ và phương Tây đang làm ầm lên về những “nguy cơ” tình báo những quốc gia đối nghịch lấy trộm dữ liệu. Nhưng theo đài BBC, ở chiều ngược lại, hoạt động “trộm cắp” cũng nhộn nhịp không kém. Còn nhớ rằng, khi Trung Quốc bùng phát dịch COVID-19 cách đây hơn 3 tháng, Mỹ và các đồng minh đã tìm cách đưa người sang để “dòm ngó” các bí mật của Trung Quốc liên quan đến dịch bệnh, nhưng đã bị Bắc Kinh cự tuyệt.

Italy từng cáo buộc Nga cài điệp viên vào đoàn chuyên gia y tế sang giúp chống COVID-19.

COVID-19 đã tạo ra một loạt mục tiêu tấn công mới, và không chỉ có các quốc gia đối đầu với phương Tây. Các tin tặc Hàn Quốc mới đây đã tấn công vào các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cả các quan chức ở CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản và Mỹ.

Các vụ tấn công có vẻ nhằm bẻ khóa thư điện tử để tìm kiếm thông tin liên quan đến các biện pháp kiềm chế sự lây lan của virus corona mới và phương thuốc điều trị nó. Điều này phản ánh sự thật rằng ngay cả các quốc gia đồng minh cũng không còn tin tưởng nhau trong việc thông tin về số ca nhiễm và tử vong được công bố.

Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Mỹ cũng rất quyết liệt trong các vụ án gián điệp với nghi can là người Trung Quốc và mục tiêu là lấy cắp bí mật công nghiệp và các nghiên cứu y sinh học. Hồi tháng 1/2020, FBI đã buộc tội Giáo sư Charles M. Lieber, Trưởng khoa hóa và hóa sinh Đại học Harvard, vì ông này đã không khai đúng sự thật ông đã tham gia chương trình Nghìn Tài năng (Thousand Talents) nhằm thu hút nhân tài của Trung Quốc.

Nhưng Đại học Harvard cũng đang có một chương trình nghiên cứu hợp tác với một viện nghiên cứu của Trung Quốc để nghiên cứu phương thuốc điều trị và vaccine ngừa virus corona. Như vậy, việc cáo buộc giáo sư người Trung Quốc tội gián điệp khoa học có vẻ chưa hợp lý.

Tình báo sẽ “thất nghiệp”, nếu…

James Sullivan, nhà phân tích an ninh mạng tại Viện Royal United Services (RUSI) ở London cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi tình báo các quốc gia cùng nhau tìm kiếm các dữ liệu nghiên cứu COVID-19. Sullivan phân tích, đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng chung trong hoạt động không gian mạng của các cơ quan an ninh, tình báo các nước đối đầu nhau, do bị hạn chế hoạt động trên các địa bàn thực tế. Đây là một cơ hội mới để thu thập thông tin tình báo và can thiệp, phá hoại.

Sullivan cho biết, tổ chức RUSI của ông đã quan sát thấy điều này thông qua các chiến dịch thông tin giả, gián điệp mạng tăng mạnh trong đại dịch. Chúng có nguy cơ làm trầm trọng thêm căng thẳng chính trị. Đặc biệt, không có gì ngạc nhiên khi điều này xảy ra trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Sự gia tăng tình báo mạng liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 cũng kéo theo sự gia tăng hoạt động săn lùng gián điệp trong lĩnh vực này. Tại Mỹ, từ nhiều tháng qua, FBI đã thường xuyên viếng thăm các cơ sở nhạy cảm như trường đại học, viện nghiên cứu và đưa ra các khuyến cáo, phân tích về những nguy cơ dễ bị gián điệp khoa học công nghệ nước ngoài xâm nhập. Mặt khác, những khuyến cáo của FBI có tác dụng như liều “thuốc thử” nhằm dò tìm đối tượng gián điệp bên trong các cơ sở nêu trên.

Đối với tình báo mạng trong thời buổi COVID-19, việc phát hiện và truy xuất nguồn gốc kẻ xâm nhập là vấn đề không khó nhưng tốn nhiều thời gian hơn. Trong số hàng ngàn cuộc tấn công mạng diễn ra hàng ngày nhắm vào một cơ sở nghiên cứu, làm sao để nhận ra đâu là đòn tấn công của tình báo mạng đối thủ không hề là chuyện dễ. Trong những năm qua, tình báo Mỹ thường lớn tiếng cáo buộc tình báo Nga can thiệp bầu cử Mỹ bằng cách nói suông là chủ yếu chứ không hề có bằng chứng nào để chứng minh một cách chính xác.

“Đây là một đại dịch toàn cầu, nhưng thật không may là các quốc gia lại không đối xử với nó như một vấn đề toàn cầu” – bình luận của Justin Fier, một cựu chuyên gia phân tích tình báo thuộc NSA. Fier cho rằng, các nước đang tung điệp viên để thu thập thông tin bí mật về các nghiên cứu dược lý, phân lập cấu trúc gien virus corona để xem các “đối thủ” đã tiến bộ đến đâu. Tần suất các vụ tấn công lớn và phạm vi các mục tiêu rất rộng nên không thể thống kê một cách đầy đủ được.

Các nhà nghiên cứu toàn cầu cho rằng một sự hợp tác quốc tế có vai trò sống còn đối với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nếu thế giới hy vọng về một vaccine chung toàn cầu. Khi đó, các nỗ lực hợp tác sẽ đặt ra vấn đề rằng liệu các quốc gia có còn cần thiết cạnh tranh nhau trong việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nữa hay không?

Gần đây còn xuất hiện tiếng nói của một vài cá nhân, kể cả một số quốc gia châu Âu, như Pháp, kêu gọi thế giới hợp tác sản xuất ra loại vaccine miễn phí toàn cầu. Tuy nhiên, lời kêu gọi này cho đến nay chưa được nhiều người quan tâm. Nếu không, tình báo thế giới sẽ làm gì với các mục tiêu trở nên không còn cần thiết nữa?

Nguyên Khang/ANTG

Bài mới
Đọc nhiều