+
Aa
-
like
comment

Tình báo đưa Liên Xô thành cường quốc như thế nào?

25/12/2019 08:41

Hoạt động thu thập tin tình báo khoa học – công nghệ (KHCN) được xem là mũi nhọn quan trọng thứ hai (sau tình báo chính trị) của tình báo Liên Xô.

Chính hoạt động đầy hiệu quả của tình báo KHCN đã góp phần quan trọng đưa Liên Xô trở thành cường quốc hàng đầu thế giới ở mọi lĩnh vực trong nhiều thập niên. Theo các tài liệu đã được giải mật, vào thời kì “hưng thịnh” trong những năm 1980, số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác tình báo KHCN của tất cả các tổ chức tình báo Liên Xô lên đến 100.000 người, 90% trong số đó hoạt động ở hầu hết các nước trên thế giới để săn tìm tài liệu KHCN và thiết bị kĩ thuật tiên tiến.

Phạm vi thu thập tình báo KHCN cũng mở rộng không ngừng và bao quát hầu như mọi lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mà Liên Xô tụt hậu. Trọng điểm được hướng vào những kĩ thuật, những công nghệ mũi nhọn có thể trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng cho mục đích quân sự, như công nghiệp hàng không và hàng không vũ trụ, la-de, máy tính điện tử, vệ tinh, khí động học hàng không, hạt nhân, điện tử, cáp quang, rô-bốt…

Tình báo đưa Liên Xô thành cường quốc như thế nào?
Phù hiệu KGB. Ảnh: Dhgate

Chỉ tính riêng năm 1980, Tình báo KHCN Liên Xô đã thực hiện thành công 1.085 điệp vụ, cung cấp tư liệu và thông tin quan trọng cho 3.396 đề án khoa học và công trình nghiên cứu/thiết kế/thử nghiệm của đất nước.

Căn cứ vào mục tiêu nhiệm vụ, căn cứ vào điều kiện, khả năng từng nước mà công tác thu thập tin tức có sự chú trọng khác nhau. Như, đối với Mỹ, tập trung thu thập những tư liệu về công nghệ vi điện tử, la-de, máy tính, năng lượng hạt nhân, công nghiệp hàng không vũ trụ, khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên v.v…

Đối với Nhật Bản, nặng về thu thập tư liệu, tài liệu về vật liệu gốm sứ (loại dùng chế tạo xe tăng, tàu chiến, máy bay thay cho kim loại), điện tử, rô-bốt, cáp quang, kĩ thuật công trình, gien di truyền…

90% tin tình báo KHCN quan trọng nhất là do GRU và KGB cung cấp. Riêng KGB hàng năm tuyển lựa khoảng 100 sinh viên xuất sắc từ các trường đại học, viện khoa học tự nhiên khắp trong cả nước đưa về đào tạo tại các trường tình báo. Tại đây, họ được huấn luyện các kĩ năng lựa chọn mục tiêu, cách nhận biết tài liệu, cách đánh cắp và chuyển tin tức tình báo… Tốt nghiệp, họ được phân công về Cục Tình báo KHCN (Cục T) công tác.

Cục T là cục lớn thứ hai của Tổng cục Tình báo Đối ngoại (sau Cục S – Tình báo Bất hợp pháp), với đội ngũ khoảng 2.000 tình báo viên khoa học công nghệ chuyên ngành, hoạt động trong và ngoài nước.

Trong nước, các nhân viên Cục T được cài cắm trong bộ máy của các bộ, ngành có “dính” đến nước ngoài và liên quan đến khoa học kĩ thuật như Bộ Ngoại thương, các công ty xuất nhập khẩu, du lịch quốc tế… Ở nước ngoài, phần lớn các nhân viên tình báo của Cục T hoạt động dưới các bình phong công khai như các quan chức ngoại giao, cố vấn khoa học, đại diện công ty… Một bộ phận nhỏ sử dụng giấy tờ giả nhập cảnh bất hợp pháp vào các nước để hoạt động.

Trong số những thành công lớn nhất của Cục T trong những năm 1980 phải kể đến tài liệu về Hệ thống báo động sớm và điều khiển trên không (AWACS) của Mỹ; thiết kế máy bay ném bom B-1B; tài liệu về loạt máy tính điện tử từ các mẫu máy tính của IBM; và các sơ đồ vi mạch…

Năm 1982, Cục T thu thập được mẫu một loại máy tính dùng điều khiển máy phay cao cấp do hãng Toshiba (Nhật Bản) chế tạo. Thành công này giúp Liên Xô chế tạo được tàu ngầm tiên tiến với độ ồn rất thấp, buộc Mỹ và đồng minh phải chi 30 tỉ USD để nghiên cứu, chế tạo hệ thống theo dõi nhằm tạo lập thế cân bằng trong cuộc chiến dưới đáy đại dương.

Cũng do sử dụng tài liệu Cục T cung cấp mà Liên Xô nâng cao được xác suất trúng đích của tên lửa bố trí trên mặt đất, buộc NATO phải chi một khoản ngân sách lên đến 50 tỉ USD để nghiên cứu chế tạo tên lửa MX cơ động thay cho loại tên lửa cố định trước đây.

Tại các nước Tây Âu, Cục T đã thu thập được những tài liệu quan trọng về các hệ thống thông tin vô tuyến điện chiến thuật “Katrin” đang được các nước NATO nghiên cứu. Các cán bộ Cục T còn sử dụng một nhóm lập trình viên người Tây Đức thâm nhập vào cơ sở dữ liệu của Lầu Năm góc, thu thập nhiều tài liệu về hệ thống máy tính công nghiệp quốc phòng và về nhiều công trình nghiên cứu khoa học.

Trong số các mẫu máy móc, thiết bị, các hệ thống vi mạch mà cán bộ Cục T thu thập được có đến 44% được sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng, 28% sử dụng trong các lĩnh vực dân dụng, còn 28% được sử dụng ngay trong KGB.

Ngay cả khi KGB sắp giải thể, hoạt động thu thập tin tức KHCN của nó vẫn được đẩy mạnh.

Nhìn chung, hoạt động của Cục T được lãnh đạo KGB đánh giá là có hiệu quả nhất trong số các cục hoạt động. Leonid Zaitsev, một trong những người lãnh đạo lâu năm nhất của Cục T thậm chí có lần tuyên bố rằng cục của ông không chỉ tự trang trải về mặt tài chính, mà còn nuôi sống toàn bộ cơ cấu các chiến dịch ở nước ngoài của KGB.

Không phải ngẫu nhiên mà Cục T hoạt động khá độc lập. Ngay tại Học viện Tình báo Andropov, các học viên thuộc Cục T cũng học riêng với chương trình của họ. Có thể nói, sức mạnh của quân đội Liên Xô một phần được tạo ra chính từ các thành công của tình báo KHCN. Người ta cho rằng có đến 150 hệ thống vũ khí của Liên Xô được chế tạo dựa trên công nghệ đánh thu thập được của phương Tây.

Nguyên Phong/VNN

Bài mới
Đọc nhiều