+
Aa
-
like
comment

Tin vui chứa nhiều trăn trở trong ngày đầu năm mới

21/01/2020 06:06
Tin vui chứa nhiều trăn trở trong ngày đầu năm mới - 1

Đó là một nội dung trong Dự thảo nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến.

Cụ thể, mỗi sinh viên sẽ được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại nhà trường. Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do Nhà nước công bố.

Bản dự thảo trên cho thấy thứ nhất, thực tế nhiều năm qua, các trường sư phạm khá “ế ẩm”. Có nơi, có lúc điểm chuẩn hạ tới mức thảm hại (9 điểm/3 môn) trong khi các ngành nằm ở tốp đầu điểm chuẩn lên đến 28-29 điểm.

Điều này dẫn đến chất lượng giáo dục suy giảm bởi để có trò giỏi một là phải có học trò có tố chất thông minh, hai là môi trường cả vật chất và tình thần tốt và ba, đó là thầy giỏi. Thiếu một trong ba yếu tố này, sẽ khó có thể có trò giỏi được.

Điều nói lên thứ hai, đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực này. Đặc biệt là với những gia đình khó khăn, các em có cơ hội viết tiếp ước mơ của mình.

Tuy đây mới là dự thảo, song, nếu được chấp nhận, người viết bài này  cũng hoài nghi sức hấp dẫn lâu dài của nó bởi mấy lý do.

Thứ nhất, số tiền 3,6tr đồng đối với nhiều gia đình là rất lớn, nhưng thực tế với thu nhập của không ít bậc phụ huynh kể cả ở nông thôn hiện nay thì số tiền trên không  phải là không thể. Họ hoàn toàn có thể tự bỏ tiền để con cái học hành theo sở nguyện.

Thứ hai, thử làm phép tính mỗi năm 09 tháng, mỗi tháng 3,6tr đồng, tổng số tiền 4 năm theo học khoảng 130 triệu đồng. Nếu sau này ra trường lại phải bỏ một khoản tiền để “chạy” với giá khoảng vài ba trăm triệu (công chức trăm triệu đã… lỗi thời) thì đó là bài toán kinh tế không thành công.

Thứ ba, kể cả khi có việc, với mức thu nhập khoảng gần 4 triệu đồng/tháng trong khi công nhân làm ở các khu công nghiệp chẳng cần học hành nhiều lương 6 – 8 triệu đồng thì cũng là bài toán kinh tế thất bại.

Do vậy, cùng với việc hỗ trợ kinh phí trước đây thì việc hỗ trợ sinh hoạt phí có thể trước mắt, sẽ thu hút được một lượng sinh viên nào đó.

Song về cơ bản, bài toán vẫn nằm ở khâu giải quyết việc làm và mặt bằng thu nhập. Cụ thể, đừng để sinh viên sư phạm khi ra trường phải vác tiền đi “chạy” việc và thu nhập hàng tháng của một cử nhân cũng đừng để thấp hơn người lao động chân tay tại các khu công nghiệp.

Ngày xưa, “làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng”…

Bùi Hoàng Tám/DT

Bài mới
Đọc nhiều