+
Aa
-
like
comment

Tin thế giới 31/7: Trung Quốc cài phần mềm độc hại vào các cơ sở quan trọng của Mỹ

Hồng Anh - 31/07/2023 09:59

Trung Quốc cài phần mềm độc hại vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ; Đánh bom liều chết ở Pakistan làm hàng trăm người thương vong; Ukraine gia hạn thiết quân luật.. là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 31/7.

– Nghi vấn Trung Quốc cài phần mềm độc hại vào mạng lưới liên lạc và năng lượng quan trọng của Mỹ: Chính quyền ông Biden tin rằng hành động của Trung Quốc như một “quả bom hẹn giờ”, có thể tấn công quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Các quan chức quân đội, tình báo và an ninh của Mỹ cho biết phần mềm độc hại này có khả năng giúp Trung Quốc làm gián đoạn các hoạt động quân sự của Mỹ, nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan vào một thời điểm nào đó. Các hệ thống bị ảnh hưởng có thể cho phép Trung Quốc không chỉ cắt nước, điện và thông tin liên lạc tới các căn cứ quân sự của Mỹ mà còn tới các hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ. Các nhà chức trách ở Úc, Canada, New Zealand và Anh đồng thời cảnh báo rằng hoạt động tấn công mạng của Trung Quốc có thể đang diễn ra trên toàn cầu, ảnh hưởng đến nhiều loại cơ sở hạ tầng.

Một nạn nhân trong vụ đánh bom liều chết ở Pakistan, ngày 30-7

– Đánh bom liều chết ở Pakistan, ít nhất 42 người chết và hơn 130 người bị thương: Vụ đánh bom xảy ra tại buổi vận động chính trị của đảng bảo thủ Jamiat Ulema Islam-Fazl (JUI-F). Người bị thương được đưa tới bệnh viện ở huyện Bajaur, còn người bị thương nặng được trực thăng quân sự chở từ Bajaur đến Bệnh viện thành phố Peshawar, thủ phủ của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Cảnh sát trưởng tỉnh nói với rằng vụ nổ là do đánh bom liều chết. Các cuộc tấn công của các chiến binh Hồi giáo đã gia tăng ở Pakistan kể từ năm ngoái, khi lệnh ngừng bắn giữa Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) và Islamabad bị phá vỡ. Một vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar hồi đầu năm nay đã giết chết hơn 100 người.

Người dân Israel tập trung ở thành phố Tel Aviv để phản đối cải cách tư pháp do Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề xuất, ngày 29-7

– Biểu tình lớn ở Israel phản đối cải cách tư pháp: Hàng ngàn người Israel đã xuống đường để phản ứng trước việc chính phủ thúc đẩy cải cách tư pháp. Người biểu tình vẫy quốc kỳ, tập trung tại thành phố Tel Aviv, tiếp tục điều họ đã làm hàng tháng qua: phản đối đề xuất cải cách tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Các nhân viên y tế của Israel đã phản ứng bằng một cuộc tuần hành ngắn, trong khi rất nhiều cựu quân nhân đã tuyên bố sẽ chấm dứt nghĩa vụ tình nguyện của họ và các tổ chức công đoàn đang cân nhắc hành động. Ông Netanyahu cho rằng gói cải cách là cần thiết để cân bằng lại mối quan hệ giữa các quan chức dân cử và cơ quan tư pháp, nhưng các đối thủ của thủ tướng cáo buộc ông thâu tóm quyền lực.

– Ukraine gia hạn thiết quân luật: Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu gia hạn thiết quân luật thêm 90 ngày nữa cho đến ngày 15-11, đồng thời loại trừ khả năng tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 10 tới. Ukraine ban hành thiết quân luật vào ngày 24-2-2022, sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình. Luật này cấm đàn ông từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước, và đã được gia hạn nhiều lần kể từ đó.

Nhân viên y tế nói chuyện với quân nhân Ukraine bị thương ở tuyến đầu tại Ukraine, ngày 27-7.

– Ukraine tham vấn Mỹ về đường vào NATO: Các cuộc đàm phán, do chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố, là sự tiếp nối các cam kết do nhóm các nước G7 đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng này ở Litva, nhằm xây dựng và tôn trọng các đảm bảo an ninh. “Chúng tôi bắt đầu đàm phán với Mỹ trong tuần này – ông Andriy Yermak viết trên Telegram – Các đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ là những nghĩa vụ cụ thể, lâu dài nhằm đảm bảo khả năng của Ukraine trong việc đánh bại và kiềm chế Nga trong tương lai”. Ông Yermak cho biết đảm bảo an ninh từ Mỹ “sẽ có hiệu lực cho đến khi Ukraine có tư cách thành viên NATO”. Hội nghị thượng đỉnh NATO đã đề nghị hỗ trợ Ukraine trong việc chống lại các động thái quân sự của Nga. Các quốc gia riêng lẻ đã cam kết cung cấp vũ khí mới cho Ukraine, nhưng cũng thống nhất rằng Ukraine sẽ không là thành viên NATO chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn. Các thành viên của G7 đã đồng ý cho mỗi quốc gia đàm phán các thỏa thuận nhằm đảm bảo an ninh và giúp Ukraine củng cố quân đội.

– Pakistan ngập trong nợ với Trung Quốc: Kể từ khi bắt đầu vào năm 2013, hàng chục tỉ USD được đổ vào các dự án giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng lớn ở Pakistan. Tuy nhiên, CPEC cũng khiến Pakistan phải vật lộn để duy trì các nghĩa vụ tài chính. Ông Azeem Khalid, làm việc tại Đại học COMSATS (Islamabad), nhận định CPEC đã mang lại nhiều kết quả khác nhau trong một thập kỷ sau khi thành lập. Trong đó, mục tiêu chính của Trung Quốc là kết nối với biển Ả Rập, còn Pakistan cũng đạt được tiến bộ trong các mục tiêu ngắn hạn. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh là một trong những đối tác nước ngoài đáng tin cậy nhất của Islamabad, sẵn sàng hỗ trợ tài chính để giải cứu người láng giềng đang gặp khó khăn. Đầu tuần qua, Trung Quốc đã cho Pakistan gia hạn 2 năm đối với khoản vay 2,4 tỉ USD, giúp quốc gia đang ngập trong nợ nần này có không gian để xoay xở. Báo cáo của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố năm ngoái cho biết Trung Quốc và các ngân hàng thương mại của nước này nắm giữ khoảng 30% tổng số nợ nước ngoài của Pakistan.

Hồng Anh

Bài mới
Đọc nhiều