Tin “sốc” từ Mỹ liệu có “đe dọa” túi tiền đại gia Việt?
Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, cổ phiếu HPG của Hoà Phát tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp, mất thêm 0,86% còn 22.950 đồng/cổ phiếu. Ngược lại cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoà Sen lại đạt được mức tăng nhẹ 0,25% lên 8.110 đồng/cổ phiếu; NKG của Thép Nam Kim tăng 0,74% lên 6.800 đồng/cổ phiếu.
Có vẻ như cổ phiếu ngành thép đang chưa cho thấy sự tác động rõ nét nào từ thông tin áp thuế “khủng” tại thị trường Mỹ. Cụ thể, hôm 16/12, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE)của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan – Trung Quốc.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, các mặt hàng thép mạ và thép cán nguội của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Hoa Kỳ và do đó bị coi là lẩn tránh thuế.
Nếu lô hàng thép CR và CORE xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng sẽ bị áp mức thuế lên đến 456% (tương đương mức thuế Hoa Kỳ đang áp dụng với thép Trung Quốc). Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước/vùng lãnh thổ ngoài 3 nguồn Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan thì sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (tức là không phải nộp thuế).
Như vậy, thông tin này có thể sẽ là mối de đoạ đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ song với những doanh nghiệp tự chủ được nguồn nguyên liệu thì đây lại là tin tích cực.
Trên thị trường chứng khoán sáng nay, các chỉ số tiếp tục diễn biến giằng co. VN-Index hầu như chỉ hoạt động dưới ngưỡng tham chiếu, tạm dừng phiên sáng với mức thiệt hại 1,54 điểm tương ứng 0,16% còn 952,49 điểm.
HNX-Index tương tự cũng đánh mất 0,55 điểm tương ứng 0,54% còn 102,35 điểm; UPCoM-Index đạt được trạng thái tăng nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,12% lên 55,4 điểm.
Thanh khoản trái lại, đạt mức cao. Khối lượng giao dịch chỉ riêng phiên sáng trên HSX đã nhảy vọt lên 210,56 triệu cổ phiếu tương ứng 4.073,61 tỷ đồng.
Trên HNX, khối lượng giao dịch cũng đạt 16,97 triệu đơn vị tương ứng 121,44 tỷ đồng và con số này trên UPCoM thu hẹp còn 3,7 triệu cổ phiếu tương ứng 38,39 tỷ đồng.
ROS tiếp tục gây chú ý về khối lượng giao dịch khi khớp lệnh đạt tới 17,27 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu này lại đang giảm giá 400 đồng, thị giá lùi về 23.600 đồng/cổ phiếu. FLC cũng bị chốt lời và tạm dừng ở 4.770 đồng/cổ phiếu.
Thị trường sáng nay diễn ra thoả thuận “khủng” tại cổ phiếu GTN. Mã này được thoả thuận tới 78,5 triệu cổ phiếu và đều được giao dịch tại mức giá 22.800 đồng, tương ứng giá trị chuyển nhượng lên tới trên 1.790 tỷ đồng.
Trước đó, vào sáng ngày 16/12, GTNFoods (chủ thương hiệu sữa Mộc Châu Milk) đã họp ĐHĐCĐ bất thường trình phương án thoái vốn để tái cấu trúc và cho phép Vinamilk nâng sở hữu lên 75% vốn mà không cần chào mua công khai. Phương án này đã được cổ đông GTNFoods thông qua.
Dù vậy, toàn thị trường vẫn có tới 985 mã cổ phiếu không xảy ra giao dịch. Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm với 297 mã giảm giá, 24 mã giảm sàn và 228 mã tăng, 32 mã tăng trần.
Trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đang có sự phân hoá nhất định. Nếu như VHM giảm và lấy đi của VN-Index 1,76 điểm; VRE, MWG, NVL mất giá thì VCB, VNM, BID, CTG lại đang tăng giá và ảnh hưởng tích cực đến thị trường.
Nhận định về thị trường, các chuyên gia MBS cho biết, thị trường vẫn đang điều chỉnh trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng với tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF và ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 12. Do vậy dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ để tìm cơ hội.
Về kỹ thuật, VN-Index vẫn dao động trong vùng tích lũy với ngưỡng hỗ trợ ở khu vực 950 – 960 điểm. Khả năng thị trường vẫn tiếp tục chịu áp lực rung lắc ở các phiên sắp tới, tuy vậy chừng nào vùng hỗ trợ ở 950 – 955 điểm vẫn giữ được thì khả năng có nhịp pullback vẫn được xem xét.
Mai Chi/DTO