Tín hiệu đầu năm mới
Trong chuyến công tác tại Phú Yên, khi tham dự chương trình tặng quà cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh vấn đề tập trung nguồn lực triển khai đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội bắt đầu từ 2023. Đây là một tin vui đối với công nhân, người lao động, vốn là những người rất trông chờ vào các dự án nhà ở xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2021 – 2030, nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp lên tới 2,6 triệu căn. Trong khi đó, đến cuối năm 2022, nước ta mới có 155.800 căn nhà ở xã hội được hoàn thành. Như vậy, có thể thấy, nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, trong khi việc phát triển các dự án nhà ở xã hội mới chỉ đạt được những kết quả rất hạn chế.
Đối với công nhân, trong tiến trình phát triển của nền kinh tế, thu nhập của họ vẫn đang không ngừng được cải thiện. Nhưng, cùng với sự phát triển kinh tế, giá cả đất đai cũng ngày càng tăng và thậm chí còn tăng với tốc độ nhanh hơn. Việc sở hữu nhà đất trở nên một điều xa tầm với đối với công nhân, và loại hình căn hộ chung cư, mà cụ thể hơn là căn hộ nhà ở xã hội, rõ ràng là lựa chọn khả thi duy nhất cho họ nếu muốn sở hữu nhà ở. Chính vì vậy, mà nhu cầu về nhà ở xã hội luôn rất lớn và không ngừng tăng lên cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng.
Mặt khác, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cho đến nay vẫn có nhiều vướng mắc, bất cập.
Về phía các doanh nghiệp, xây dựng nhà ở xã hội mang lại tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hẳn so với nhà ở thương mại hay các loại hình bất động sản khác. Theo quy định hiện hành, lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư. Việc giới hạn tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội khiến các doanh nghiệp có xu hướng né tránh các dự án thuộc phân khúc này. Ở đây, chúng ta cũng không thể trách các doanh nghiệp vì theo đuổi lợi nhuận là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường. Vấn đề là mức tỷ suất lợi nhuận 10% gần như chắc chắn thấp hơn không những tỷ suất lợi nhuận của ngành bất động sản mà còn thấp hơn cả tỷ suất lợi nhuận trung bình của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không dễ tiếp cận các gói tín dụng để đầu tư, xây dựng dự án nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chương trình cho vay để đầu tư dự án nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ khoản vay qua các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ngân sách để cấp bù lãi suất theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP chưa bố trí được, nên các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa triển khai chương trình này.
Các thủ tục hành chính, quy định pháp lý, nhất là về việc giao đất, còn phức tạp cũng góp phần làm doanh nghiệp không mặn mà với các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Ví dụ đơn giản như dự án nhà xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn và thẩm định như dự án nhà ở thương mại.
Ngoài ra, những diễn biến hiện nay của nền kinh tế trong nước và thế giới, cũng như tình hình chưa mấy khả quan trên thị trường bất động sản cũng khiến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội gặp không ít khó khăn trong ngắn hạn. Các doanh nghiệp bất động sản hiện đang còn mắc kẹt với nhiều dự án bất động sản phân khúc cao cấp. Tín dụng thì lại bị thu hẹp do xu hướng tăng lãi suất. Vậy nên các doanh nghiệp cũng không dễ dàng xoay xở vốn đầu tư mới cho các dự án nhà ở xã hội ngay cả khi được dành ưu đãi.
Dù có những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại như vậy, nhưng những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua nhằm xúc tiến và đẩy mạnh nguồn lực phát triển nhà ở xã hội cho thấy triển vọng rất tích cực ở loại hình này. Do vậy, những người công nhân, người lao động thu nhập thấp hoàn toàn có thể có thêm những cơ hội để sở hữu nhà ở xã hội trong những năm tới.
Mạnh Hải