+
Aa
-
like
comment

Tin giả về Chủ tịch Sacombank và việc dư luận cần có niềm tin!

Thành An - 03/04/2024 15:21

Trong xã hội ngày nay, niềm tin là thứ rất khó đạt được, đặc biệt là trong thương trường. Bởi câu chuyện các mã chứng khoán lên hay xuống chỉ vì vài tin đồn là chuyện xảy ra như “cơm bữa”. Thế nhưng, nếu niềm tin đặt không đúng chỗ, thì việc “cơm bữa” thành “cơm thiêu” không chỉ là hậu quả dành cho nhà đầu tư, mà hơn hết còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế đang từng bước phục hồi rất khó khăn.

Ông Đặng Tất Thắng, người sử dụng tài khoản MXH “Thang Dang” từng tung thông tin thất thiệt, xúc phạm đến ông Dương Công Minh và Ngân hàng Sacombank.

Tin giả từ đối tượng từng tung tin giả

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đến thời điểm hiện nay, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank không nằm trong danh sách chú ý xuất nhập cảnh hoặc cấm xuất cảnh. Bộ Công an bác bỏ mọi thông tin sai sự thật nhằm phá hoại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của hệ thống tài chính, ngân hàng. Mọi hành vi đưa tin sai sự thật sẽ bị phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, MXH rộ lên tin đồn về việc Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank đã bị cấm xuất cảnh và đang bị điều tra do có liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngay lập tức, Cổ phiếu STB của Sacombank trải qua một ngày giao dịch đầy biến động khi thị giá mất gần 4%, trong khi khối lượng giao dịch vọt lên 105 triệu đơn vị.

 Thông tin sai sự thật được tài khoản “Thang Dang” đăng tải và được nhiều tài khoản MXH của các đối tượng cơ hội chính trị, hội nhóm đăng tải lại.

Kết phiên hôm 02/04, khối lượng giao dịch STB ở mức đột biến và đạt kỷ lục với hơn 105 triệu đơn vị, cao hơn 5 lần so với khối lượng giao dịch bình quân ngày trước đó.

Giá trị giao dịch STB đạt khoảng 3.200 tỉ đồng phiên này. Khác với xu hướng thường mua vào nhóm cổ phiếu điều chỉnh, khối ngoại cũng bán ròng mạnh STB với gần 290 tỉ đồng.

Việc cổ phiếu Sacombank chịu áp lực bán tháo được nhận định có liên quan tới tin đồn về ông Dương Công Minh, chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank.

Cụ thể, đêm 01/04 tài khoản mạng xã hội “Thang Dang” đã đăng tin ông Dương Công Minh bị cấm xuất cảnh do liên quan đến một đại án kinh tế lớn ngành ngân hàng.

Được biết, tài khoản MXH mang tên “THANG DANG” trên là của ông Đặng Tất Thắng, từng là lãnh đạo cấp cao tại Tập đoàn FLC và CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Tuy nhiên, ông Thắng đã lần lượt rời FLC và Bamboo Airways sau khi phía ông Dương Công Minh tiếp quản hãng hàng không này.

Trước đó vào tháng 06/2023, cũng chính ông Đặng Tất Thắng đã bị xử phạt vi phạm hành chính do đã có hành vi đăng tải thông tin xúc phạm uy tín, danh dự của ông Dương Công Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank, cũng chính bằng tài khoản MXH “Thang Dang”.

Cụ thể, ông Thắng viết trên trang Facebook “Thang Dang”: “Làm ngân hàng dù ở bất cứ đâu trên thế giới này là lãi nhất rồi mà cổ đông không được chia cổ tức trong 7 năm thì đúng là Chủ tịch Ngân hàng Sacombank là người bất tài, anh này với mình còn là người không có đức,…”.

Trước những lời lẽ trên, ngày 5/5/2023, Ngân hàng Sacombank đã có công văn gửi Sở TT&TT Hà Nội đề nghị xem xét giải quyết sự việc vì đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, hình ảnh Chủ tịch Hội đồng quản trị và lãnh đạo Ngân hàng Sacombank.

Mặc dù sau đó ông Thắng đã công khai xin lỗi Sacombank và cá nhân ông Dương Công Minh trên trang Facebook “Thang Dang”, đồng thời tuyên bố sẽ “treo post” 72 giờ đồng hồ. Vậy nhưng chưa đầy 24 giờ sau đó những lời xin lỗi này đã bị ẩn khỏi trang Facebook “Thang Dang”.

Trong khi đó, phía Sacombank thì cho rằng những lời xin lỗi của ông Thắng là “thiếu chân thành”.

Tài khoản “Thang Dang” của ông Đặng Tất Thắng đăng tải lời xin lỗi đối với ông Dương Công Minh và Ngân hàng Sacombank vào tháng 06/2023.

Vậy lý do nào, một thông tin thất thiệt được tung ra bởi một cá nhân từng có hiềm khích với ông Dương Công Minh, từng bị xử phạt cũng vì việc đăng tải thông tin thất thiệt, nhưng vẫn kích động được dư luận tin theo?

Tin nào là thật, tin nào là giả?

Hiện nay, đáng buồn thay luôn tồn tại một bộ phận dư luận có xu hướng tin tưởng vào các “tin đồn” trên không gian mạng. Điều này cũng có phần dễ hiểu khi một số “tin đồn” trở thành tin thật, khiến cho những đối tượng tung tin đạt được sự tin tưởng của một nhóm dư luận, từ đó hình thành lên tâm lý “tin đồn có thật”.

Thế nhưng thực tế không phải bao giờ “tin đồn” cũng là thật, thậm chí số lượng các “tin đồn” thiếu căn cứ, đã được chứng minh là không có thật thực tế lại chiếm tỷ trọng rất nhiều. Nhưng như các khảo sát tâm lý được thực hiện bởi các chuyên gia đã chỉ ra rằng, đa phần tư duy con người chỉ luôn tin vào những điều họ nghĩ là thật. Do đó, các “tin đồn” thành thật thì lại được ghi nhớ nhiều hơn là hằng hà sa số các tin đồn nhảm.

Cũng do nắm bắt được xu hướng tâm lý đó, các đối tượng cơ hội chính trị, những kẻ tiếp tay lan truyền “tin đồn” như Thanh Hieu Bui, Nguyễn Văn Đài, Lê Trung Khoa hay trang mạng phản động Việt Tân luôn tích cực chia sẻ, thảo luận mỗi khi có tin đồn nào có sức tác động đến ổn định chính trị, phát triển kinh tế hay ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Và khi các “tin đồn” đó được xác định là giả mạo, không đúng sự thật thì các đối tượng trên chỉ đơn giản là xóa bài đăng và im lặng một thời gian, sau đó sẽ quay trở lại như chưa từng có việc gì xảy ra.

Thế nhưng hậu quả xảy ra thực sự lại đến với những người luôn tin theo các tin đồn trên mạng. Còn nhớ trước đó là câu chuyện hàng trăm người tụ tập trước các trụ sở ngân hàng SCB để rút tiền tiết kiệm trước hạn. Không những gây ra sự mất cân bằng về tài chính cho ngân hàng SCB, còn gây ra sự phiền toái cho Ngân hàng Nhà nước cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự của địa phương. Đối với người rút tiền, đó là ảnh hưởng trực tiếp đến mức lãi suất khi tất toán trước hạn chỉ vì những tin đồn vô căn cứ về ngân hàng này trên MXH.

Sau tin đồn tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), người dân kéo nhau rút tiền vào tháng 10/2022.

Thực tế đã chứng minh, hoàn toàn không có bất cứ cá nhân nào bị mất tiền khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng SCB. Các sổ tiết kiệm tới thời hạn tất toán đều được thanh toán đầy đủ. Người mất tiền chỉ là những người tin vào lời đồn mất tiền trên mạng mà thôi!

Và mới đây nhất, người thiệt hại lớn nhất chính là các nhà đầu tư tin theo “tin đồn” được tung ra trên MXH. Những đối tượng tung tin chắc chắn sẽ bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật, thế nhưng thiệt hại đã xảy ra chắc chắn không thể nào được thu hồi lại. Và đáng buồn thay, theo cảm nhận của người viết, những bài học như thế này chắc chắn sẽ được lập đi lập lại khi dư luận vẫn còn đặt niềm tin vào sai chỗ!

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều