Tin đồn Nga vỡ nợ và sự thật phía sau
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã và đang khiến Nga không thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trái phiếu vào ngày 26/6. Từ đó, hàng loạt thuyết âm mưu được đưa ra, làm dấy lên nghi án nước Nga đang rơi vào tình trạng vỡ nợ. Vậy sự thật là gì?
Theo Bloomberg, nếu đúng lịch trình thì Nga phải trả khoản lãi suất trị giá 100 triệu USD từ ngày 27/5, nhưng đã được ân hạn đến ngày 26/6. Tuy nhiên, đến cuối ngày 26/6, Nga vẫn chưa thể thanh toán khoản lãi 100 triệu USD. Như vậy, Nga được coi như vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1918.
Vào tuần trước, Nga cho biết họ đã thanh toán các khoản trái phiếu ngoại biên (Eurobond) đến Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia. Nhưng các giao ước trái phiếu không cho phép Nga thanh toán các khoản nợ trái phiếu bằng đồng Rúp, có nghĩa là những khoản thanh toán này vẫn được coi là một khoản nợ.
Nguyên nhân được cho là do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, đặc biệt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Kể từ đầu tháng 3, các trái phiếu quốc tế của Chính phủ Nga bị hạn chế giao dịch, trong khi dự trữ nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bị đóng băng, còn các ngân hàng lớn của nước này bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Điều đó đã khiến cho việc thanh toán của Nga cũng bị chững lại.
Bloomberg nhận định, đây là một dấu mốc nghiệt ngã trong quá trình Nga trở thành một quốc gia bị phương Tây cô lập về kinh tế, tài chính và chính trị.
Nga nợ bao nhiêu tiền?
Theo số liệu thống kê, Nga hiện đang nợ khoảng 40 tỷ USD trái phiếu nước ngoài. Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, phần lớn được giữ ở nước ngoài và hiện đang bị đóng băng.
Từ nhiều tháng qua, các nhà đầu tư đều đã dự đoán về việc Nga vỡ nợ. Trong đó, các công ty bảo hiểm cho các khoản nợ của Nga đánh giá khả năng Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ là 80%. Riêng các hãng xếp hạng tín nhiệm như Standard & Poor và Moody cũng xếp hạng nợ của Nga ở mức rủi ro cao.
Tuy nhiên, đến ngày 4/7, vẫn chưa hề có thông báo chính thức nào nói rằng Nga vỡ nợ.
Ảnh hưởng của việc Nga vỡ nợ đến nền kinh tế?
Theo Bloomberg, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến cho nhiều công ty nước ngoài chạy trốn khỏi Nga và làm gián đoạn quan hệ thương mại và tài chính của nước này với phần còn lại của thế giới. Vụ vỡ nợ sẽ là một phần trong những hành động cô lập và gây gián đoạn thương mại.
Những nhà phân tích đầu tư đang thận trọng tính toán rằng, vụ vỡ nợ lần này của Nga sẽ không tác động lớn đến các thị trường và tổ chức tài chính toàn cầu như vụ vỡ nợ năm 1918. Được biết, vào năm 1918, khi Nga vỡ nợ trái phiếu đồng Rúp trong nước, Chính phủ Mỹ phải can thiệp và yêu cầu các ngân hàng cứu nguy cho quỹ đầu cơ lớn của Mỹ là Long-Term Capital Management, bởi người ta lo sợ rằng một khi quỹ này sụp đổ, hệ thống tài chính và ngân hàng thế giới có thể bị rung chuyển.
Hiện tại, những người nắm giữ trái phiếu (chẳng hạn như quỹ đầu tư vào trái phiếu thị trường mới nổi) có thể sẽ thua lỗ nghiêm trọng. Tuy vậy, do Nga chỉ đóng một vai trò nhỏ trong chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi, lần vỡ nợ này sẽ không gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, trong khi cuộc chiến đang gây ra những hậu quả tàn khốc về con người và giá lương thực và năng lượng cao hơn trên toàn thế giới, thì việc vỡ nợ trái phiếu chính phủ sẽ “chắc chắn không ảnh hưởng đến hệ thống tiền tệ thế giới”.
Đặc biệt, các khoản nợ nước ngoài của Nga khá nhỏ so với quy mô nền kinh tế nước này, do đó một vụ vỡ nợ khó mà có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nga. Tuy nhiên, vụ vỡ nợ có thể sẽ ảnh hưởng đến mức độ tin cậy tín dụng của Nga, khiến trong tương lai, nước này sẽ khó khăn hơn trong việc đi vay trên thị trường quốc tế.
Liệu những tin đồn trên có phải là sự thật?
Ngay sau khi xuất hiện tin đồn, Nga đã bác bỏ tuyên bố cho rằng nước này vỡ nợ và nói có đủ tiền để trả nợ, nhưng bị đẩy vào thế không thể thanh toán. Tuần trước, Nga thông báo sẽ thanh toán dư nợ nước ngoài trị giá 40 tỉ USD bằng đồng Rúp và chỉ trích phương Tây vì đã gây ra tình trạng bất khả kháng này.
“Không có căn cứ nào để gọi tình trạng hiện nay là vỡ nợ. Những tuyên bố rằng Nga vỡ nợ nước ngoài là hoàn toàn sai”, trích tuyên bố của Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov.
Theo ông Dmitry Peskov, các hình phạt kinh tế của phương Tây đã phần lớn cắt đứt Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế, khiến nước này gặp khó khăn trong việc trả nợ. Các nhà chức trách Nga khẳng định, họ có đủ tiền để giải quyết các khoản nợ của đất nước chứ không phải “túng thiếu” như phương Tây đang lan truyền.
Nga cũng đặc biệt gọi tình trạng khó khăn là một “trò hề” và cáo buộc phương Tây đang tìm cách đẩy Nga vào tình trạng vỡ nợ một cách giả tạo. Điện Kremlin khẳng định đây là sự “vỡ nợ nhân tạo”, bởi Nga có đủ khả năng trả nợ nhưng không thể thanh toán do các biện pháp trừng phạt.
“Ai có thể tuyên bố gì tùy ý. Nhưng những ai hiểu điều gì đang xảy ra sẽ biết rằng không có chuyện vỡ nợ”, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhấn mạnh, nói rằng nước này vẫn nhận hàng tỉ USD mỗi tuần từ xuất khẩu năng lượng.
“Rất, rất hiếm khi một chính phủ có đủ khả năng (trả nợ) bị chính phủ nước ngoài đẩy vào tình trạng vỡ nợ”, nhà phân tích Hassan Malik của Công ty Loomis Sayles & Company LP (Mỹ) cho biết. Dù vậy, giới phân tích cho rằng vỡ nợ cũng chỉ là vấn đề nhỏ so với những gì Nga đang đối mặt là lạm phát hai con số và sụt giảm kinh tế trầm trọng.
Theo một số chuyên gia, lần này Nga không vỡ nợ vì thiếu tiền trả bởi tài chính của Nga hiện đang được duy trì tốt nhờ vào giá năng lượng tăng cao. Bên cạnh đó, nếu xét tới những thiệt hại mà các biện pháp trừng phạt gây ra cho nền kinh tế và thị trường tài chính Nga, vụ vỡ nợ trên hầu như chỉ mang tính biểu tượng và không mấy quan trọng với người Nga. Việc các chủ nợ tìm kiếm tuyên bố vỡ nợ thông qua các tòa án sẽ không có nhiều ý nghĩa bởi vì Nga không từ bỏ quyền miễn trừ chủ quyền của mình và không tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền xét xử.
Thông thường, việc vỡ nợ sẽ do các tổ chức xếp hạng tín dụng xác định nhưng các tổ chức này đã không còn đánh giá tín dụng của Nga do các lệnh trừng phạt.
Lan Hoa