Tìm thấy thêm 1 nạn nhân, khám nghiệm ca nô bị nạn ở Hội An
Thêm một thi thể nạn nhân vụ lật ca nô ở biển Cửa Đại, Hội An (Quảng Nam) đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy vào rạng sáng nay (ngày 28/2).
Lúc 1h sáng nay, người dân cùng lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm một thi thể bé gái vụ lật ca nô du lịch trên biển Cửa Đại. Thi thể sau đó được chuyển về nhà tang lễ TP Hội An.
Cũng trong tối 27/2, rạng sáng 28/2, lực lượng chức năng đã tiến hành trục vớt, khám nghiệm hiện trường chiếc ca nô gặp nạn.
Ca nô QNa-1152 được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật có hiệu lực đến ngày 19/01/2023, trọng tải toàn phần, số lượng người người được phép chở sức kéo đẩy là 4,1 tấn, tương ứng 35 hành khách. Thuyền trưởng Lê Sen có chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa hạng 3, đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
Ai chịu trách nhiệm vụ cano chở 39 người bị lật tại Hội An?
Thạc sĩ Luật học Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhìn nhận đây là một vụ việc đau lòng, gây thiệt hại lớn về tinh thần, sức khỏe cũng như tính mạng của những hành khách trên tàu. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của người lái cano, chủ phương tiện cùng những người liên quan.
Về trách nhiệm dân sự, ông Giáp cho biết cano là phương tiện vận tải thủy nội địa do một tổ chức sở hữu rồi giao cho nhân viên vận hành. Trường hợp xác định có lỗi trong quá trình vận hành thì khi xảy ra sự cố gây thiệt hại cho người khác, việc xác định trách nhiệm bồi thường dân sự sẽ thuộc về chủ sở hữu phương tiện.
Cụ thể, Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi dẫn tới thiệt hại hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Trường hợp này, Công ty Phương Đông, thuyền trưởng cùng những người liên quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm cho các nạn nhân trên cano.
Cụ thể, đối với các nạn nhân có sức khỏe bị ảnh hưởng, chi phí bồi thường về vật chất sẽ gồm các khoản quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 như chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại hay phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại…
Đối với những nạn nhân tử vong, chi phí bồi thường bao gồm các khoản như bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (theo Điều 590 Bộ luật này); chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hay các thiệt hại khác theo luật định.
Ngoài ra, phía gây thiệt hại còn có trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình các nạn nhân có sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm. Mức thỏa thuận do các bên thỏa thuận.
Trường hợp không thỏa thuận được, số tiền bồi thường tối đa là 74,5 triệu đồng (trường hợp sức khỏe bị xâm phạm) và 149 triệu đồng (trường hợp tính mạng bị xâm phạm).
“Công ty Phương Đông trước mắt sẽ là đơn vị thực hiện nghĩa vụ bồi thường nếu được xác định có lỗi. Sau đó, họ có quyền yêu cầu thuyền trưởng là ông Sen hoàn trả một khoản tiền nhất định”, ông Giáp phân tích.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cho rằng trường hợp được xác định có lỗi, phía Công ty Phương Đông cùng những người liên quan có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân theo Bộ luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, quá trình xác minh, nếu xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 272 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra xử lý theo quy định.
Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục củng cố lời khai, xác định trách nhiệm của lái tàu. Nếu có căn cứ nhận định lái tàu này có hành vi chủ quan, cẩu thả, không lường trước được các yếu tố khách quan dẫn tới thiệt hại, người này có thể bị khởi tố về tội danh nêu trên. Với tình tiết định khung làm chết từ 3 người trở lên, mức án tối đa sẽ là 15 năm tù.
Trường hợp lái tàu bị xử lý hình sự, công an sẽ xem xét tiếp trách nhiệm của những người quản lý phương tiện thuộc Công ty Phương Đông. Nếu xác định họ biết cano không đảm bảo điều kiện vận hành hoặc biết ông Sen không đủ điều kiện điều khiển nhưng vẫn cho phép phương tiện hoạt động thương mại, những người này có thể bị xử lý hình sự về các tội danh theo những Điều 274, 275 hoặc 276 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu xác định vụ việc xảy ra hoàn toàn do yếu tố bất khả kháng, nằm ngoài tầm kiểm soát, thuyền trưởng cano sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Nam, theo điều tra ban đầu, ca nô du lịch số hiệu QNa–1152 của Công ty du lịch Phương Đông do ông Lê Sen (SN 1970, trú phường Cửa Đại, TP. Hội An) điều khiển chở 39 người trong đó có 36 hành khách, 3 thuyền viên, xuất bến Cù Lao Chàm từ 14h để vào đất liền. Khi đến vị trí cách Trạm Biên phòng Cửa Đại 1 hải lý thì bị sóng lớn đánh chìm. Hành khách trên ca nô được trang bị áo phao và mặc áo phao trước khi xuất phát, bố trí ghế ngồi đầy đủ.
Đại tá Nguyễn Hà Lai – Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 27/2, đơn vị đã phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự, Viện Khoa học hình sự, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an có mặt tại hiện trường, phối hợp với Công an Quảng Nam tổ chức điều tra nguyên nhân vụ việc.
Cơ quan công an sẽ điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn để xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có sai phạm. Từ đó đánh giá lại, chấn chỉnh những sai sót trong quá trình vận chuyển hành khách ra đảo Cù Lao Chàm.
Hồng Anh